Kinh Môn thắng lớn vụ sắn dây

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:00, 11/02/2023

Năm nay, người trồng sắn dây Kinh Môn rất phấn khởi vì sắn dây không chỉ được mùa, mà còn có giá bán cao nhất từ trước đến nay.


Nông dân phấn khởi thu hoạch vụ sắn dây được mùa

Tháng giêng cũng là lúc người dân thị xã Kinh Môn bước vào vụ thu hoạch sắn dây, loại củ mà người dân địa phương vẫn thường gọi là “sâm trắng”. Năm nay, người trồng sắn thắng lớn khi sắn dây được mùa, được giá.

Năm 2022, gia đình anh Nguyễn Văn Thủy ở thôn Phương Quất (xã Lạc Long) trồng 1,5 mẫu sắn dây. Sau gần 1 năm vất vả vun trồng, chăm bón nay cũng đã đến ngày thu hoạch. Anh cho biết: “Năm vừa qua, thời tiết thuận lợi nên năng suất sắn đạt cao. Mỗi sào đạt khoảng 1-1,2 tấn, cao hơn năm trước, bà con trồng sắn đều phấn khởi”. Có những gốc sắn dây khi gạt lớp đất mỏng đã trồi ra toàn củ, thu mỗi gốc đến 1 tạ củ, điều mà không phải vụ thu hoạch nào người nông dân cũng có được. 

Không chỉ được mùa, sắn dây năm nay còn được giá. Từ đầu vụ đến nay, sắn thu hoạch đến đâu thương lái thu mua ngay tại ruộng đến đó với giá từ 15.000-16.000 đồng/kg, cao gấp đôi vụ trước và cũng là giá cao nhất từ trước đến nay. Mỗi sào trừ toàn bộ chi phí sản xuất, người dân thu lãi từ 13-15 triệu đồng. Những gia đình trồng nhiều như nhà anh Thuỷ thì thu lãi hơn trăm triệu đồng.

Sắn dây thu hoạch một phần được đưa vào các cơ sở chế biến tại thị xã Kinh Môn, còn lại thương lái thu mua, vận chuyển đến các đầu mối tiêu thụ ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên. Anh Nguyễn Đức Toán ở thôn Khuê Bích (xã Thượng Quận) làm đầu mối thu mua sắn dây lớn cho biết: “Năm nay, năng suất sắn dây đạt cao, tỷ lệ bột đạt, giá thị trường lại cao nên hàng chạy. Cả người trồng, thu mua và chế biến sắn đều rất phấn khởi. Trung bình mỗi ngày tôi thu mua khoảng 8-10 tấn củ, cung cấp cho các đầu mối ở các tỉnh”.

Xã Thượng Quận là một trong những trung tâm thu mua và chế biến bột sắn dây của thị xã Kinh Môn với khoảng 35 đầu mối thu mua củ sắn tươi để cung cấp cho các cơ sở chế biến trong và ngoài địa phương; 40 cơ sở chế biến bột sắn dây quy mô lớn. Ngoài ra, nhiều hộ dân tự chế biến bột từ củ sắn của gia đình.


Ông Nguyễn Bá Thiết (bên trái), chủ cơ sở chế biến bột sắn dây Bá Thiết ở xã Thượng Quận, kiểm tra bột sắn dây thành phẩm


Những ngày này, cơ sở chế biến tinh bột sắn dây Bá Thiết ở thôn Vũ Xá (xã Thượng Quận) thuê 17 lao động, làm việc liên tục mới đủ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Trung bình mỗi ngày, cơ sở thu mua từ 3,2-3,5 tấn củ để làm bột. Ông Nguyễn Bá Thiết, chủ cơ sở này cho biết: “Mỗi ngày, cơ sở của tôi chế biến được gần 1 tấn bột khô, cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ ở khắp các địa phương trong cả nước. Sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ giữa năm 2022 đến nay, hàng hoá lưu thông, giá bột sắn dây tăng cao và ổn định. Giá bán giao hiện đạt 120.000 đồng/kg. Bột làm đến đâu được tiêu thụ hết đến đó”.

Thị xã Kinh Môn hiện có trên 230 ha sắn dây, trồng ở các vùng đất bãi ngoài đê, bãi bồi ven sông, tập trung nhiều ở các xã, phường: Thượng Quận, An Phụ, Lạc Long, Hiệp An, Hiệp Hoà, Phạm Thái, Hoành Sơn… Những diện tích trước kia cấy lúa kém hiệu quả sau khi được chuyển đổi trồng sắn dây đều cho hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng năm nay đạt khoảng 6.380 tấn, giá trị kinh tế gần 90 tỷ đồng. 

Kết thúc một vụ sắn bội thu, để chuẩn bị cho vụ sắn mới, từ những gốc sắn đã thu hoạch củ, các chủ vườn tuyển chọn những gốc to, đốt dây khoẻ, không bị sâu bệnh để ươm. Mưa xuân xuống, từ những đốt dây sẽ mọc mầm, nhân giống để trồng. Sắn dây được trồng từ khoảng tháng 3 và thu hoạch vào tháng 1 năm sau. 

Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn cho biết: “Giống sắn dây được người dân thị xã trồng là sắn dây thân trắng và thân phớt tím. Cả 2 giống này đều rất thích hợp với khí hậu, đất đai địa phương nên thường cho năng suất cao, chất lượng củ tốt. Đã có một số đơn vị bạn đến học tập kinh nghiệm và nhân giống sắn về trồng. Tuy nhiên, khi đánh giá chất lượng bột thì vẫn không tốt bằng sắn trồng ở Kinh Môn”. 

Sản phẩm bột sắn dây Kinh Môn đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể và đạt Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Thị xã tạo điều kiện thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nông sản, trong đó có bột sắn dây để nâng cao hiệu quả kinh tế hàng hóa, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, chuyên sâu, nâng cao giá trị.

THU XUÂN