Nâng niu nhiều con tem quý

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 09:20, 12/02/2023

Đã rất nhiều đổi thay từ khi con tem bưu chính đầu tiên trên thế giới ra đời năm 1840. Hiện nay khi nhiều người không còn sử dụng đến con tem thì các thành viên Chi hội Tem Nam Sách vẫn miệt mài sưu tầm, lưu giữ nhiều con tem quý giá.


Ông Nguyễn Trọng Tấn, Phó Chủ tịch Chi hội Tem Nam Sách say sưa giới thiệu một trong những bộ sưu tập tem tâm đắc

Kể chuyện bằng tem


Một trong những con tem lâu đời nhất được thành viên Chi hội tem Nam Sách lưu giữ là con tem trên postcard kỷ niệm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hành ngày 19.5.1957

Chi hội Tem Nam Sách thành lập năm 1970 với 5 hội viên. Đến nay, số lượng hội viên không biến động nhiều, các hội viên hiện có 60 -70 khung tem, mỗi khung có 16 trang, mỗi trang có từ 5-10 con tem. Ông Nguyễn Trọng Tấn, Phó Chi hội trưởng Chi hội Tem Nam Sách cho rằng chơi tem cũng như viết văn, kể chuyện bằng tem. "Sưu tầm, lưu giữ tem là chuyện nhỏ nhưng để làm nên một bộ sưu tập tem bài bản, có hồn cốt, đầu cuối thì cần lắm công phu. Trước khi làm phải vạch ra dàn ý như viết văn, bộ sưu tập tem có tiêu đề, mô tả, chỗ nào sợ người xem khó hình dung được nội dung thì viết chú thích. Giống như một tác phẩm văn học, bộ sưu tập chỉ có 1 trang là truyện siêu ngắn, nhiều trang là truyện dài, nhiều khung là tiểu thuyết", ông Tấn chia sẻ.


Bộ tem đặc biệt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) là một trong những bộ tem mới, quý giá

Để viết nên những câu chuyện kể bằng tem, các hội viên cũng mất nhiều thời gian, công sức. Họ sử dụng những con tem để thể hiện ý tứ của mình theo chủ đề, nội dung thống nhất, người xem tem tiếp nhận được thông điệp, ý tưởng. Càng xem lại càng rõ, càng cuốn hút. Bộ sưu tập "Người Việt kiêu hùng" của ông Tấn được gửi đi trưng bày ở Bangladesh là một ví dụ. Đây có thể coi là truyện siêu ngắn vì chỉ có 1 trang với 10 con tem, 1 postcard. Ở bộ sưu tập này, ông Tấn đặt tiêu đề, viết mô tả bằng tiếng Anh với nội dung tạm dịch ra tiếng Việt rằng từ thời Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh, người Việt nỗ lực xây dựng đất nước; người Việt là những người yêu ca hát, làm thơ, yêu hòa bình, ghét chiến tranh nhưng chắc chắn sẽ đấu tranh để bảo vệ đất nước. Với mỗi nội dung này, ông Tấn chọn một con tem để thể hiện. Có con tem hình lăng Hùng Vương, lăng Bác thể hiện các thời đại trong lịch sử; tem hình cô gái ôm bó lúa thể hiện tinh thần hăng hái sản xuất; tem tượng đài Nguyễn Du thể hiện người Việt thích làm thơ; tem hình con chim bồ câu thể hiện tình yêu hòa bình; tem trận Bạch Đằng, trận Điện Biên Phủ thể hiện dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Từng con tem được sắp xếp cẩn thận theo thời gian, nội dung với trình tự hợp lý và một dòng chảy xuyên suốt để câu chuyện dần hiện ra.

Những bộ sưu tập đồ sộ


Những con tem khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Ngày nay, những con tem bưu chính dùng trên các phong thư nhằm thông tin công việc hay chắp nối tình cảm đang dần lùi về dĩ vãng. Nhiều thanh thiếu niên không biết đến phong thư, con tem và cái kho đồ sộ của triệu triệu con tem xinh đẹp với khối kiến thức to lớn, quý giá đang dần bị giấu kín. Tiếc nuối trước thực tế này, các hội viên Chi hội Tem Nam Sách đã lưu giữ nhiều con tem quý và chắp nối thành những bộ sưu tập tem ấn tượng. Nhiều bộ sưu tập từng đoạt giải cao trong các cuộc thi tem trong nước và quốc tế.

Đến nay, giải thưởng cao nhất mà một trong các thành viên chi hội đoạt được là huy chương đồng tại triển lãm Tem thế giới châu Á tổ chức tại Trung Quốc năm 2003. Đó là bộ sưu tập tem có tên "Khủng long thời tiền sử" của tác giả Hà Quang Thắng. Bộ tem này giới thiệu về khủng long, được ông Thắng kỳ công sưu tầm các con tem quốc tế trong nhiều năm liền. Ngắm bộ sưu tập này, ta thấy một câu chuyện sống động về khủng long, một loài vật đã tuyệt chủng được khắc họa qua những con tem. Để gửi đi triển lãm, dự thi ở nước ngoài, tác giả cũng kỳ công biên soạn, ghi lời dẫn, chú thích tiếng Anh để người xem tem dễ tiếp cận thông điệp, ý nghĩa của bộ sưu tập.


Nhiều con tem cổ, chữ và hình in nhỏ và mờ, người chơi tem phải dùng kính lúp để xem

Lật mở những trang tem dày dặn trong kho tem đồ sộ của mình, ông Nguyễn Trọng Tấn cũng khoe một trong những con tem đáng quý nhất của mình là con tem trên postcard phát hành ngày 19.5.1957 nằm trong bộ sưu tập "Hồ Chí Minh - Thân thế và hành trình tìm đường cứu nước". Đây là con tem lâu đời nhất trong kho tem của ông Tấn. Con tem này đơn giản, mộc mạc với hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, in dòng chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được dán trên postcard đánh chữ vuông vắn "Kỷ niệm ngày sinh Hồ Chủ tịch". Hồi có con tem này, ông Tấn mới khoảng 9-10 tuổi và chỉ nghĩ cứ cất con tem đi mà chưa biết để làm gì. Nhờ sự nâng niu, gìn giữ mà qua 66 năm, con tem vẫn rõ nét chữ, hình in, nét dấu mộc. Ông Tấn cho rằng con tem này quý vì nó đã được đóng dấu, đã hoàn thành sứ mệnh của mình sau khi được gửi đi nhiều nơi, qua tay nhiều người, đã tuyên truyền ý nghĩa thông điệp của nó. Đặc biệt, ở thời điểm đó, con tem và postcard này được làm thủ công rất công phu, tỉ mỉ từ việc in ấn, gõ chữ, đóng dấu từng chiếc một.


Bộ sưu tập "Người Việt kiêu hùng" từng được trưng bày ở Bangladesh

Liên tục sưu tầm, sáng tác những bộ sưu tập mới và bổ sung những bộ sưu tập cũ cũng là công việc nhiều thành viên Chi hội Tem Nam Sách đang làm. Với sự tích cực, tâm huyết trong thú chơi tem, Chi hội Tem Nam Sách đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng bằng khen, Hội Tem Việt Nam tặng giấy khen.

PHẠM TUYẾT