Có cần phải học đại học khi nhiều sinh viên thất nghiệp?
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:41, 12/02/2023
Các học sinh Trường THPT Pleiku (Gia Lai) tươi tắn trong buổi tư vấn sáng 12.2 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Buổi tư vấn tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku, Gia Lai) sáng nay 12.2 "nóng" với câu hỏi của bạn Quang Hạ (Trường THPT Hoàng Hoa Thám) về việc hiện có rất nhiều sinh viên học đại học xong ra trường làm trái ngành nghề nhưng có thu nhập cao, trong khi một số lại thất nghiệp.
"Em dự định học đại học, nhưng thấy nhiều anh chị ra trường làm trái ngành hoặc không có việc làm. Vậy học đại học có cần thiết không?", câu hỏi của nam sinh này khiến cả sân trường ồ lên.
Học đại học để làm gì?
Để trả lời câu hỏi trên, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) - đặt câu hỏi ngược lại: "Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi học đại học để làm gì và đã tìm được câu trả lời chưa?".
Đồng thời thầy Hạ cũng nêu ra vài con số để học sinh tự nhận biết câu trả lời là một thống kê cho biết có khoảng 80% người nghèo trên thế giới không học đại học và cũng có 80% người giàu có học đại học.
Khi học đại học giúp bạn có nghề nghiệp, tương lai ổn định. Bên cạnh đó, các bạn có thể khám phá bản thân và mở rộng mối quan hệ. Sự phát triển của xã hội đòi hỏi mọi người phải có khả năng tự học.
"Với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ hiện nay liệu các bạn có thể tự học không, nếu như bạn không được trang bị nền tảng kiến thức tốt. Không phải học đại học xong là đủ, mà việc học là việc suốt đời. Học đại học là nền tảng ban đầu để mình bước vào giai đoạn tiếp theo, giúp các bạn đủ sức theo được đường dài trong tương lai", thầy Hạ nói.
Sinh viên ra trường thất nghiệp là chuyện bình thường
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cũng cho hay khi tuyển dụng doanh nghiệp thường phỏng vấn ứng viên năng lực chuyên môn. Những người có năng lực chuyên môn tốt, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp sẽ có mức lương tốt.
Tuy nhiên, thầy Hùng cho rằng thất nghiệp là chuyện bình thường. Có nhiều lý do dẫn đến việc thất nghiệp.
Hiện chương trình đào tạo của các trường đại học có môn học về khởi nghiệp. Môn học này trang bị cho sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp kiến thức để có thể tự thành lập công ty tạo việc làm cho chính mình và người khác.
"Thực tế các công ty Nhật khi tuyển dụng không yêu cầu ngành nghề nào, mà chỉ cần người tốt nghiệp đại học. Nếu hỏi rằng có nên học đại học không? Theo tôi là nên. Các bạn yêu thích ngành gì thì chọn ngành đó và đầu tư học thật tốt", thầy Hùng nhấn mạnh.
Việc làm và mức lương phụ thuộc vào năng lực của chính mình
Thạc sĩ Phùng Quán, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) - cũng xác nhận thực tế có một số sinh viên học đại học ra trường làm trái nghề lại có lương cao, trong khi một số người lương rất thấp hoặc thậm chí thất nghiệp.
Thầy Quán cho rằng để ra trường có việc làm thu nhập tốt, trước hết đòi hỏi sinh viên phải có năng lực chuyên môn vững, có nghĩa là cần phải học thật giỏi. Thứ hai, sinh viên cần có kỹ năng thuần thục về nghề nghiệp của mình và kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm…); những kỹ năng này sinh viên được rèn luyện từ việc tham gia các hoạt động Đoàn - Hội.
Bên cạnh đó để thành công trong công việc các bạn cần yếu tố nữa là thái độ. Những người có thái độ luôn tích cực sẽ dễ thành công hơn. Ví dụ như nhóm ngành công nghệ thông tin hiện nay luôn có điểm chuẩn rất cao, nếu không dám nộp hồ sơ xét tuyển thì sẽ không có cơ hội trúng tuyển.
"Để đi làm nhận được mức lương cao đòi hỏi các bạn phải có đủ các yếu tố. Bạn phải chứng tỏ với nhà tuyển dụng để họ thấy được các năng lực đáp ứng được nhu cầu công việc thì họ sẽ tuyển và trả mức lương rất cao. Năng lực của bạn càng giỏi thì mức lương càng cao. Do vậy nên các bạn phải khẳng định mình, phải học thật giỏi" - thầy Quán nhắn nhủ.
Theo Tuổi trẻ