Chính thức khai hội đền Cao

Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 13:18, 13/02/2023

Sáng 13.2 (tức ngày 23 tháng giêng), tại đền Cả thuộc quần thể khu di tích đền Cao, phường An Lạc (Chí Linh), Ban tổ chức lễ hội đền Cao năm 2023 tổ chức lễ khai hội truyền thống.


Đồng chí Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ cùng các đồng chí lãnh đạo đồng chủ lễ dâng hương tại đền Cả tưởng nhớ công ơn 5 Đức Thánh họ Vương

Các đồng chí: Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Hoàng Quốc Thưởng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Chí Linh; Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tới dự.

Đại diện lãnh đạo xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hoá), quê hương của cha mẹ 5 Đức Thánh họ Vương, đông đảo nhân dân, du khách thập phương cùng dự.


 Đồng chí Nguyễn Văn Kiên, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Chí Linh đánh trống khai hội

Sau diễn văn khai mạc là phần văn tế tri ân do các cụ cao tuổi trong làng và các đồng chí lãnh đạo đồng chủ lễ thực hiện. Diễn văn và văn tế tri ân ca ngợi công ơn to lớn của 5 Đức Thánh họ Vương đã có công giúp vua Lê Đại Hành chống giặc Tống xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc thế kỷ thứ X - mở đầu kỷ nguyên Đại Việt bách thắng quân xâm lược phong kiến phương Bắc. 

Hằng năm vào ngày 23 tháng giêng, Thành uỷ, HĐND, UBND TP Chí Linh tổ chức lễ hội đền Cao nhằm tưởng nhớ công ơn của các bậc Đức Thánh, đồng thời giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình yêu quê hương, đất cho thế hệ trẻ. 


Đội tế đọc văn khấn tri ân trước lễ rước

Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, các ngôi đền thờ phụng 5 Đức Thánh họ Vương vẫn uy linh trầm mặc, trường tồn giữa vùng không gian văn hóa tâm linh đặc biệt thiêng liêng An Lạc. 12 đạo sắc phong, ngọc phả, hàng trăm bức hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp oai hùng, lẫm liệt của 5 Đức Thánh họ Vương cùng với những địa danh lịch sử của đại bản doanh An Lạc góp sức cho vua Lê Đại Hành và quân dân Đại Cồ Việt tái tạo một Bạch Đằng, sáng tạo một Chi Lăng thế kỷ thứ X như: núi Cao Hiệu, Bàn Cung, Sơn Đụn, Nội Xưởng, Lò Văn… mãi mãi lưu danh sử sách, trường tồn trong tâm linh muôn dân đất Việt...


 Lễ rước bài vị của 5 vị thánh, mũ áo, bát hương của các thánh được đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia

Ngay sau lễ dâng hương là lễ rước bộ gồm 8 kiệu bài vị của các thánh, mũ áo, bát hương, lọng cùng đoàn người đưa rước từ đền Cả về đình Hội Đồng... Kết thúc lễ rước là tế yên vị. 

Chiều cùng ngày sẽ diễn các giải thể thao truyền thống và trò chơi dân gian. Tối 13.2, sẽ diễn ra lễ tế đập đất và vật đập đất xin phép tổ chức giải vật truyền thống đền Cao. Ngày 14.2 sẽ diễn ra giải vật, lễ tạ hội và rước hoàn cung, kết thúc lễ hội đền Cao.


Lễ rước bộ là điểm nhấn trong ngày khai hội đền Cao


Đền Cao - nơi thờ  trưởng nam Vương Đức Minh (Thiên Bồng Đại tướng quân đại vương) 


Lễ tế yên vị tại đình Hội Đồng do các quan đám, thanh đồng thực hiện


Hát quan họ trên sông cũng được tái hiện tại lễ hội đền Cao



Dù chính lễ vào ngày thường nhưng quần thể di tích vẫn thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương tới chiêm bái

THANH HOA - THÀNH CHUNG


>>> Đền Cao An Lạc - Nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ