Cạn kiệt vì Ukraine, NATO muốn nâng mức dự trữ đạn dược đối với các thành viên
Tin tức - Ngày đăng : 05:49, 14/02/2023
Hệ thống HIMARS của Mỹ được giao cho Ukraine.
Ngay cả trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24.2.2022, nhiều quốc gia NATO đã không đáp ứng được các mục tiêu dự trữ của liên minh.
Tuy nhiên, tốc độ cung cấp đạn dược tới Ukraine - nơi quân đội của Kiev đang tiêu thụ tới 10.000 quả đạn pháo mỗi ngày, đã làm cạn kiệt kho dự trữ của phương Tây và bộc lộ những lỗ hổng về hiệu quả, tốc độ và nhân lực của chuỗi cung ứng.
“Nếu như châu Âu chuẩn bị chiến đấu với Nga, việc một vài quốc gia cạn kiệt đạn dược sẽ chỉ tính theo ngày”, một nhà ngoại giao châu Âu tiết lộ với hãng tin.
Theo quan chức này, NATO vừa hoàn thành một cuộc khảo sát đặc biệt về kho vũ khí còn sót lại. “Phần lớn các mục tiêu về kho dự trữ đạn dược của NATO không được đáp ứng, ngay cả trước khi xung đột Ukraine nổ ra”, vị quan chức giấu tên chỉ ra.
Thậm chí, kho dự trữ còn giảm do xung đột ở Ukraine, buộc NATO phải nâng mức mục tiêu dự trữ đạn dược của các thành viên.
Theo yêu cầu của NATO, một thành viên liên minh phải sở hữu một sư đoàn thiết giáp, bao gồm khoảng 10.000 đến 30.000 binh sĩ, được trang bị đầy đủ và sẵn sàng với đạn dược, có khả năng chiến đấu ở một cường độ nhất định trong một khoảng thời gian nhất định.
Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên cũng sẽ phải cung ứng một lượng đạn dược, xe tăng, lựu pháo cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của NATO.
Theo một nguồn tin quốc phòng, Đức thiếu 20 tỷ euro so với mục tiêu của NATO trước khi xung đột Ukraine nổ ra.
Quan chức NATO cho biết kho vũ khí thiếu hụt lớn nhất là các loại đạn chiến đấu, từ đạn 155 mm được sử dụng trong lựu pháo, đến tên lửa HIMARS và đạn dược cho các hệ thống phòng không như IRIS-T, Patriot và Gepard.
Các quyết định nâng mục tiêu dự trữ đạn dược dự kiến được các nhà lãnh đạo NATO đưa ra trong một hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Litva vào giữa tháng 7 tới.
Cuộc xung đột Ukraine cũng làm nổi bật tình trạng thiếu năng lực công nghiệp để tăng cường sản xuất nhanh chóng. Hiện Mỹ và Pháp đã bắt đầu gây sức ép buộc các công ty quốc phòng phải tăng cường sản xuất.
Theo báo New York Times, Washington đặt mục tiêu nâng mục tiêu sản xuất đạn pháo hàng tháng từ 14.000 viên lên 90.000 viên.
Theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc, Washington đã cung cấp khoảng 30 tỷ USD vũ khí cho Kiev kể từ tháng 2.2022, bao gồm hơn một triệu viên đạn 155mm.
Trong khi đó, tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã ra lệnh cho các nhà thầu quân sự của nước này đưa ra chiến lược "kinh tế chiến tranh" để tăng tốc độ sản xuất mọi thứ, từ đạn dược cho đến pháo. Trong năm 2023, Paris đã đặt mua số lượng đạn dược trị giá khoảng 2 tỷ euro, trong đó khoảng 1,1 tỷ euro sẽ được giao trong năm nay.
Bất chấp lời kêu gọi của NATO, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất quốc phòng của các nước thành viên vấp phải một số thách thức, trong số đó có tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn thế giới, một số nguyên liệu thô và thách thức tìm công nhân có tay nghề cao.
Sau Chiến tranh Lạnh, việc sản xuất đạn dược đã trở nên "khá thủ công". Trong khi đó, các nhà quản lý quốc phòng cũng thể hiện sự chần chừ khi đầu tư lớn vào các dây chuyền sản xuất bổ sung mà không có đơn đặt hàng chắc chắn.
Để giải quyết những lo ngại trên, NATO dự kiến thảo luận và đạt được các hợp đồng đa quốc gia kéo dài vài năm.
Theo TTXVN