Khai hội ở ngôi chùa có nhiều tháp nhất tỉnh Hải Dương
Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 19:00, 14/02/2023
Đông đảo người dân tham dự lễ khai hội chùa Muống
Diễn văn khai hội đã nêu bật công lao xây dựng chùa của nhà sư Tuệ Nhẫn, người có nhiều đóng góp trong việc phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, từng chữa khỏi mắt cho vua Trần Minh Tông. Nhà sư Tuệ Nhẫn viên tịch ngày 27 tháng giêng năm Ất Sửu (1325). Sau khi mất, nhà sư được nhân dân tôn làm thành hoàng làng và hằng năm đến ngày giỗ, người dân trong làng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của nhà sư.
Trải qua hơn 7 thế kỷ, chùa từng bị phá hủy rồi được phục dựng lại. Chùa hiện có 32 ngôi tháp, chủ yếu là tháp đá thời Hậu Lê và thời Nguyễn, nhiều nhất trong các chùa ở Hải Dương.
Sau diễn văn khai mạc là phần đánh trống, chiêng khai hội.
Đại diện Ban tổ chức lễ hội đánh trống, chiêng khai hội
Độc đáo nhất, ngày 15.2 (tức 25 tháng giêng) diễn ra nghi lễ thi giã bánh dày, rước bánh dày. Theo tập tục của người dân nơi đây, đồ dâng lên Thánh Tổ là những sản vật do họ làm ra trên mảnh đất quê hương. Đó là những hạt gạo nếp thơm ngon, giã mịn tạo thành những chiếc bánh to, nhỏ đủ cỡ đặt lên mâm. Những chiếc bánh dày được đưa lên kiệu, rước quanh chùa, trong tiếng trống, tiếng nhạc.
Người dân, du khách thập phương dâng lễ
Ngày 16.2 (26 tháng giêng) là chính hội. Từ sáng sớm, nhân dân địa phương và các Phật tử gần xa tập trung ở chùa, xếp thành từng đội để chuẩn bị rước long vị Thánh Tổ. Dụng cụ rước gồm kiệu bát cống, bát bửu, long đình, tàn, tán, lọng... Đi đầu đoàn rước là phường bát âm, rồi đến bát bửu, tàn, lọng, kiệu hoa lễ, kiệu bát cống rước tượng Thánh Tổ Từ Giác Quốc Sư, sau cùng là các Phật tử, nhân dân.
Tối 26 tháng giêng diễn ra lễ mộc dục (lễ tắm tượng). Tất cả các pho tượng đều được "tắm rửa" bằng nước sạch pha 5 loại thảo mộc. Nghi lễ này mỗi năm chỉ diễn ra một lần vào đúng tối 26 tháng giêng.
Giao lưu thi đấu bóng chuyền giữa các xã trong huyện Kim Thành
Ngày 17.2 (tức 27 tháng giêng), nhân dân tiếp tục về chiêm bái, tham quan cảnh chùa. Buổi tối cùng ngày, các Phật tử đọc kinh và kết thúc lễ hội.
Cùng với phần lễ, năm nay phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động, trò chơi dân gian như: đấu vật, đánh cờ người, bóng chuyền, bóng chuyền hơi…
Trò chơi dân gian thi đấu cờ người tại lễ hội
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Muống cho biết từ ngày 13 - 14.2 chùa Muống đã đón khoảng 10.000 du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.
Những tháp đá tại chùa Muống (ảnh: Nhà chùa cung cấp)
TRƯƠNG HÀ