Phòng tránh và xử lý ngộ độc thực phẩm
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 20:40, 15/02/2023
Thực hiện các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm là vô cùng cần thiết
Xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm
- Hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể bằng cách khẩn trương loại bỏ, tống xuất thức ăn nghi gây ngộ độc ra ngoài cơ thể bằng cách gây nôn. Với người bệnh là trẻ em, người lớn ngộ độc đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì dễ gây sặc, nghẹt thở.
- Bù nước cho bệnh nhân. Sau khi gây nôn nên cho người bị ngộ độc uống nước oresol (ORS) bù điện giải. Tuyệt đối không cho người bị ngộ độc uống thuốc cầm tiêu chảy vì việc nôn mửa và tiêu chảy để cơ thể loại bỏ độc tố.
- Cần lưu giữ thức ăn nghi gây ngộ độc thực phẩm để giúp việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc và định hướng tìm chất trung hòa độc tính (nếu có). Đối với tất cả các trường hợp bị ngộ độc, sau khi sơ cứu tại chỗ đều phải đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế xử trí kịp thời hoặc cho hướng dẫn phù hợp.
Một số cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm
- Bù nước: Nếu bị ngộ độc thực phẩm điều quan trọng là phải bù đủ nước. Nước trà gừng giúp ấm bụng. Các loại trà thảo mộc không chứa caffein như hoa cúc, bạc hà và bồ công anh có thể giúp làm dịu cơn đau dạ dày. Đồ uống thể thao có nhiều chất điện giải có thể hữu ích, nước ép trái cây và nước dừa có thể phục hồi carbohydrate và giúp giảm mệt mỏi nhưng chỉ dùng khi bệnh đã ổn. Tránh caffein, có thể gây kích ứng đường tiêu hóa.
- Uống thuốc theo đơn.
- Điều quan trọng đối với những người bị ngộ độc thực phẩm là được nghỉ ngơi nhiều.
Ăn uống như thế nào khi bị ngộ độc thực phẩm?
- Nên ngừng ăn thức ăn đặc, khó tiêu cho đến khi hết tiêu chảy và nôn, thay vào đó ăn hoặc uống những món dễ tiêu hóa và ít chất béo.
- Để ngăn dạ dày không bị khó chịu hơn, hãy tránh các loại thực phẩm khó tiêu hóa như sữa, đồ ăn nhiều chất béo chiên rán, thức ăn nhiều gia vị cay, thực phẩm chứa nhiều đường. Tránh caffein, rượu bia, nicotin.
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm
- Luôn rửa tay trước khi nấu hoặc ăn thức ăn.
- Niêm phong và lưu trữ thực phẩm đúng cách.
- Nấu chín kỹ thịt và trứng.
- Vệ sinh bất cứ thứ gì tiếp xúc với sản phẩm sống trước khi sử dụng nó để chế biến các loại thực phẩm khác.
- Trong gia đình phải có 2 loại thớt thái thức ăn sống và chín riêng.
- Bảo đảm luôn rửa sạch trái cây và rau củ trước khi ăn.
Theo Sức khỏe & Đời sống