Cần hơn 1.000 tỷ đồng vốn chính sách thực hiện Nghị quyết 11 tại Hải Dương

Kinh tế - Ngày đăng : 14:24, 16/02/2023

Đây là số liệu được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương báo cáo tại hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn tín dụng chính sách thực hiện Nghị quyết 11 giai đoạn 2022-2023.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương

Chiều 15.2, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân vốn tín dụng chính sách giai đoạn 2022-2023 thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP (Nghị quyết 11) ngày 30.1.2022 của Chính phủ.

Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH Việt Nam chủ trì hội nghị; đồng chủ trì hội nghị còn có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ: Xây dựng, Y tế và Ngân hàng CSXH Việt Nam.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hải Dương, đến ngày 31.12.2022, dư nợ 4 chương trình tín dụng thực hiện Nghị quyết 11 hơn 245 tỷ đồng. Chương trình cho vay hỗ trợ việc làm có dư nợ lớn nhất với 160 tỷ đồng, 2.581 khách hàng được vay vốn. Xếp thứ 2 là chương trình cho vay nhà ở xã hội với gần 76 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ xây dựng 177 căn nhà ở xã hội. Chương trình cho học sinh, sinh viên vay vốn mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến đạt gần 8 tỷ đồng, 452 khách hàng vay vốn. Chương trình cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay vốn đạt gần 1,5 tỷ đồng, dành cho 17 cơ sở.

Theo rà soát, tổng nhu cầu vốn thực hiện Nghị quyết 11 trong 2 năm 2022-2023 hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm 750 tỷ đồng, cho vay nhà ở xã hội hơn 229 tỷ đồng, chương trình cho vay đối với học sinh sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến 15,2 tỷ đồng, chương trình cho vay đối với cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập 6,4 tỷ đồng. 

Báo cáo cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân chậm so với kế hoạch được giao. Nguồn cung nhà ở xã hội tại địa phương còn hạn chế, nhiều đối tượng có nhu cầu vay vốn nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay khiến tỷ lệ giải ngân chương trình cho vay nhà ở xã hội thấp. Đối với chương trình cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay, do mức cho vay thấp, món vay lớn phải có tài sản bảo đảm, khách hàng khó khăn về tài chính, không có tài sản bảo đảm tiền vay hoặc trị giá tài sản bảo đảm quá lớn so với mức cho vay tín dụng chính sách. Điều này khiến khách hàng không thực hiện thế chấp, không đăng ký nhu cầu vay vốn.

Trên phạm vi toàn quốc, trong năm 2022, hệ thống tín dụng chính sách đã giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 đạt 16.024 tỷ đồng với gần 300.000 lượt khách hàng được vay vốn. Chương trình cho học sinh, sinh viên vay mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến đạt 827 tỷ đồng, để mua gần 86.000 máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến. Chương trình cho vay nhà ở xã hội đạt 4.032 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng gần 11.000 căn nhà. Chương trình cho vay hỗ trợ việc làm đạt 10.000 tỷ đồng, với hơn 211.000 khách hàng được vay vốn. Chương trình cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 194 tỷ đồng, với gần 2.600 cơ sở giáo dục được vay vốn.

Tổng nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách thực hiện Nghị quyết 11 trên toàn quốc giai đoạn 2022-2023 là 38.400 tỷ đồng.

HÀ KIÊN