Ngăn chặn vi phạm môi trường
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:30, 16/02/2023
Điều đáng quan tâm không chỉ là số tiền phạt lớn mà là những hành vi vi phạm của doanh nghiệp này gây ảnh hưởng đối với môi trường. Nhìn vào những vi phạm của công ty, không ít người phải giật mình. Ngoài thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn cho phép, hầu hết các lỗi khác của doanh nghiệp này là cố tình vi phạm, né tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý trong quá trình hoạt động. Không duy trì hoạt động hệ thống định vị vệ tinh (GPS) trong quá trình vận chuyển chất thải nguy hại; không cung cấp tài khoản theo dõi thiết bị định vị vệ tinh của phương tiện vận chuyển cho Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát, quản lý theo quy định; không lập sổ theo dõi số lượng, chất lượng, nguồn tiêu thụ của các sản phẩm tái chế hoặc thu hồi từ chất thải nguy hại theo quy định; không thực hiện kê khai và sử dụng chứng từ chất thải theo quy định…
Cơ quan công an làm việc tại một doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Ảnh tư liệu
Công ty CP Công nghệ môi trường An Sinh là 1 trong rất ít doanh nghiệp trong tỉnh được phép xử lý chất thải nguy hại. Việc để một doanh nghiệp có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vi phạm những lỗi ngang nghiên cho thấy công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của chính quyền cơ sở và các cơ quan cấp huyện, tỉnh chưa thực sự chặt chẽ, kịp thời. Vì vậy, không chỉ xử lý nghiêm những lỗi đã xác định, các cơ quan liên quan của tỉnh cần sớm làm rõ những động cơ, khuất tất khi doanh nghiệp cố tình vi phạm; đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp này để phòng ngừa những vi phạm phát sinh.
Cùng với doanh nghiệp trên, thời gian qua, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã bị xử phạt với số tiền lớn vì vi phạm về môi trường. Điển hình như Công ty TNHH một thành viên Thương mại Tuấn Tài (ở phường Thất Hùng, Kinh Môn) bị xử phạt 280 triệu đồng vì lưu giữ khoảng 100 tấn phế liệu nhập khẩu không đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường theo quy định; Công ty TNHH Venture International Việt Nam (ở thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng) bị xử phạt 273 triệu đồng do xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép. Gần đây, ngày 18.1, Công ty TNHH Tập đoàn Sapon (ở thôn An Nghiệp, xã Tứ Cường, Thanh Miện) cũng bị xử phạt 154 triệu đồng do vi phạm về môi trường. Nước thải sinh hoạt của doanh nghiệp này có một số chỉ số vượt quy chuẩn cho phép từ 1,42 đến 92 lần trước khi chảy ra kênh âu thuyền Cầu Neo.
Vi phạm của các doanh nghiệp được xử lý nghiêm sẽ tạo sự răn đe, không để xảy ra tái diễn. Tuy nhiên, nếu vi phạm không được phát hiện từ sớm, xử lý ngay từ khi phát sinh thì sẽ rất khó để khắc phục, hậu quả kéo dài, ảnh hưởng xấu dư luận và khó tạo đồng thuận của người dân khi triển khai thực hiện các dự án mới ở khu vực lân cận.
Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng thẩm định, xác nhận các nội dung như đánh giá tác động môi trường, xây dựng đề án, kế hoạch, phương án, công trình bảo vệ môi trường… của các dự án, nhà xưởng trước khi đi vào hoạt động. Việc thanh tra, kiểm tra cần tăng cường theo hướng đột xuất, tập trung vào các cơ sở quy mô lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; đồng thời phối hợp với các biện pháp nghiệp vụ để trinh sát, theo dõi các thời điểm ban đêm, ngoài giờ hành chính để ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm thường xảy ra như xả thải trộm, vận chuyển, đổ, thải, chôn lấp chất thải không đúng quy định... Việc tuyên truyền, kêu gọi và tạo thuận lợi để các đoàn thể nhân dân, người dân tham gia giám sát về bảo vệ môi trường cũng cần thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Ví dụ, như Sở Tài nguyên và Môi trường có thể công khai dữ liệu quan trắc tự động tại một số trạm quan trắc trọng điểm, có phản ánh về ô nhiễm môi trường để người dân tham gia giám sát, phản ánh. Đặc biệt, khi xảy ra vi phạm cần tùy thuộc vào mức độ vi phạm, địa bàn, đơn vị được phân công phụ trách để làm rõ trách nhiệm, xử lý tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát.
HOÀNG LONG