Luôn “ghim” trong tim tình cảm ấm áp của người dân Thổ Nhĩ Kỳ

Việc tử tế - Ngày đăng : 21:15, 17/02/2023

Đối với Đại úy Vũ Duy Hưng, cán bộ Trung tâm Huấn luyện và ứng phó về Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn Bộ Công an, lần nhận nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ là một chuyến đi khá khác biệt với những lần ra quân khác.


Đại úy Vũ Duy Hưng người cầm máy khoan thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường

Xin giới thiệu những cảm xúc của Đại úy Vũ Duy Hưng sau hơn một tuần cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi được tin Bộ Công an cử đoàn công tác đi cứu hộ, cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôi đã vinh dự được lựa chọn trong danh sách. Ngay lập tức, tôi chỉ có 6 tiếng để chuẩn bị tất cả các phương tiện quân tư trang cá nhân, làm hộ chiếu và bay gấp sang Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi cũng chỉ kịp thông báo với vợ chuẩn bị quần áo cho anh đi công tác sang Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó tôi phải quay trở lại đơn vị phối hợp với các anh em chuẩn bị phương tiện mang theo. Tổng tất cả phương tiện của đoàn Việt Nam mang sang là 12,5 tấn, bao gồm rất nhiều phương tiện. Việc đóng phương tiện đặc chủng rất mất thời gian.

Những lần nhận nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Việt Nam, tôi từng nhiều lần tham gia xử lý những vụ sập nhà, sập công trình nhưng với tính chất, quy mô nhỏ so với thảm họa được đánh giá là quá khủng khiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, ban đầu tôi cũng như đồng đội trong đoàn không khỏi lo lắng, sau những giờ phút bồi hồi, háo hức sau một chặng đường di chuyển dài.

Đại úy Vũ Duy Hưng, đứng trước trại của đoàn cứu nạn, cứu hộ Công an Việt Nam.

Thành phố Adiyaman, nơi chúng tôi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn có đến 70% công trình, nhà cửa bị sập đổ, có người bị mắc kẹt. Khối lượng công việc cần xử lý vô cùng lớn. Trong khi thực thi nhiệm vụ, đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam cũng như các lực lượng cứu hộ, cứu nạn quốc tế luôn phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm như sạt lở, sập đổ thứ cấp và các rung chấn, động đất.

Những ngày thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, từng cán bộ, chiến sĩ trong đoàn đều phải nỗ lực hết mình. Đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần sắt đá. Chúng tôi một ngày chỉ ăn 2 bữa. Tôi hay làm ca sáng thì bữa sáng ăn mì tôm với thịt hộp. Sau đó chúng tôi làm từ 8 giờ sáng đến 3 rưỡi, 4 giờ chiều. Các bạn Thổ Nhĩ Kỳ cũng hỗ trợ một chút bánh mì khô và nước lọc. Sau đó, đến tối muộn chúng tôi mới ăn bữa thứ 2.

Gần như tất cả sự mệt mỏi riêng tư của mỗi người phải tạm quên đi để làm việc bằng tinh thần, bằng trái tim của mình bởi thấy sự tan hoang, tiêu điều và những khổ đau người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt thì những khó khăn tạm thời của chúng tôi không là cái gì đáng kể.

Ai cũng tự nhủ phải tìm kiếm sự sống dưới đống đổ nát kia như tìm kiếm chính người thân của mình. Không được để người còn mắc kẹt ở dưới đống đổ nát kia lâu hơn, phải cố gắng tìm kiếm cho họ có cơ hội sống sót cao nhất, đưa họ trở về.

Các cụ ta xưa từng nói: Xểnh nhà ra thất nghiệp, khi đoàn cứu hộ, cứu nạn Bộ Công an sang nơi xa lạ thực hiện nhiệm vụ, ngoài sự căng thẳng giành giật sự sống cho những nạn nhân dưới đống đổ nát thì còn là sự mệt mỏi, thiếu thốn đủ thứ từ điện, nước, thực phẩm chăn ấm. Nhưng chưa một ai trong đoàn tỏ ra chán nản. Tôi khẳng định là chắc chắn là không có chán nản.

Tất cả mọi người ở đây đều có một tinh thần quyết tâm. Các lực lượng quốc tế trong đó có chúng tôi và đồng nghiệp của quân đội, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn Thổ Nhĩ Kỳ đều chung một quyết tâm làm việc hết sức có thể để giúp đỡ người dân.

Chúng tôi luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, cống hiến hết sức mình vì màu cờ, sắc áo Việt Nam. Khi phối hợp cùng các lực lượng của các nước, chúng tôi luôn trao đổi với các bạn rằng chúng ta tuy khác nhau về màu da, sắc áo nhưng chúng ta đều có một công việc chung duy nhất là hỗ trợ và cứu trợ người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Đoàn Công an Việt Nam tổ chức thăm hỏi hai gia đình là công dân Việt Nam tại tỉnh Adiyaman

Trong khi thực hiện phối hợp với các nước bạn tham gia công tác tìm kiếm người bị nạn, mỗi nước đều có kỹ chiến thuật riêng, nhiều cái rất hay, rất khác đáng để nghiên cứu, học hỏi. Anh em trong đoàn nhiều người từng được đi đào tạo ở Singapore, Malaysia và Trung Quốc, chiến thuật chúng tôi được học chỉ là xử lý những công trình sập đổ quy mô, tính chất nhỏ hơn rất nhiều lần so với thảm họa mà nước bạn Thổ Nhĩ Kỳ đang phải gánh chịu.

Thế nhưng ở thực địa, mỗi địa điểm thực hiện cứu hộ, cứu nạn đều có kết cấu và cấu kiện khác nhau, sập đổ theo những hướng, phương hướng khác nhau nên việc áp dụng chiến thuật và kỹ thuật tiếp cận phải khác nhau, không giống như trong giáo trình đã được đào tạo.

Bên cạnh đó, phương pháp phối hợp, hợp đồng tác chiến với các lực lượng khác cũng linh hoạt. Thí dụ khi chúng tôi phối hợp đội Mỹ, hai bên phân công nhau tiếp cận từ phía trên đống đổ nát. Phía Mỹ là dùng máy đục một đầu, Việt Nam đục một đầu và đục từ hai hướng vào nhau. Đục đến khi lộ ra các tấm bê-tông mới tiến hành dùng máy cắt cắt nhỏ tấm bê-tông. Tiếp theo là tạo hai điểm neo ở hai đầu và dùng cẩu cỡ lớn nhấc các tấm bê-tông ra để đưa nạn nhân ra ngoài.

Tại sao lại dùng phương pháp này lại không dùng phương pháp dùng máy xúc để cào? Bởi khi dùng máy xúc để cào với tải trọng lớn lưỡi cào tiếp xúc với thân thể của người bị nạn sẽ làm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của họ.

Dù đối diện và nỗ lực vượt qua bao khó khăn nhưng những lúc nghỉ ngơi hiếm hoi, nhận được những lời động viên và những cuộc gọi từ bạn bè, gia đình, anh em trong đoàn ai cũng thấy vui, ấm áp dù tiết trời rất lạnh. Những lúc này, chúng tôi lại cảm thấy vui và may mắn so với những đồng đội khác của mình không được lựa chọn đi thực hiện cứu hộ, cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ tuy điều kiện rất là khó khăn.

Ban ngày đi làm, buổi tối về anh em cũng có chút thời gian đọc báo và xem tin tức, tình hình trong nước, khi đọc những comment, những lời động viên, bản thân và anh em ở trong đội rất vui mừng. Từ đó động viên nhau, cố gắng hoàn thành sứ mệnh mà Tổ quốc đã giao. Giúp được nhiều nhất cho nước bạn khắc phục hậu quả trận động đất và cố gắng an toàn để trở về.

Bên cạnh đó, đoàn cũng đón nhận rất nhiều tình cảm trân trọng của những người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Khi gặp chúng tôi họ luôn nói lời cảm ơn và đặt bàn tay phải của họ lên ngực trái, vị trí của trái tim, rồi cúi xuống.

Khi nước sinh hoạt rất khan hiếm nhưng người dân nước bạn đều ưu tiên chúng tôi, nhường chúng tôi lấy nước trước, không phải xếp hàng. Cảm động trước tấm chân tình của người dân, nhưng anh em chỉ lấy rất ít, đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu.

Khi biết chúng tôi từ Việt Nam qua, lực lượng cảnh sát, quân đội, người dân luôn bày tỏ lời nói, hành động cảm ơn nên chúng tôi luôn cảm thấy ấm áp cảm động. Khi được người bản địa giúp đỡ, cho mình ca nước, hoặc can nước dẫu chỉ một lít rưỡi thôi hay những lúc chia sẻ cho mình vài cái gốc cây để về đốt lửa sưởi chúng tôi luôn ghi nhớ và hạnh phúc.

Theo Báo Nhân Dân