Lưu lượng xe vượt quá công suất thiết kế, chủ yếu là xe tải trọng lớn cùng một số bất cập về hạ tầng khiến hơn 44 km quốc lộ 5 qua địa bàn Hải Dương vẫn tồn tại nhiều "điểm đen", điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).
Vá chỗ nọ, bục chỗ kia
Đã hơn 3 năm kể từ vụ tai nạn kép tại khu vực Km 63+500 quốc lộ 5, đoạn qua địa bàn xã Cộng Hòa (Kim Thành) khiến nhiều người thương vong, vị trí này nay đã được tu sửa, bổ sung nhiều biển báo, gờ giảm tốc để tránh lặp lại thảm kịch tương tự.
Ông Đào Quang Hậu, nhà ở ven quốc lộ 5, đoạn Km 63+500 là một trong những người tận mắt chứng kiến giây phút kinh hoàng năm ấy. Nói chính xác hơn, chỉ chậm vài bước chân thì có lẽ chính ông Hậu cũng gặp nguy hiểm đến tính mạng. “Thảm kịch cũng đã hơn 3 năm rồi, khu vực này đã được quan tâm cải tạo, đường sá cũng bớt nguy hiểm hơn, vị trí sang đường cũng đang được xây dựng cầu vượt dân sinh. Người dân chúng tôi, công nhân sinh sống hai bên đường và nhất là đám học sinh sẽ sớm thoát cảnh sang đường mà tim đập chân run”, ông Hậu chia sẻ.
Lui về phía Hà Nội chừng 4 km, nút giao giữa đường tỉnh 390B (Thanh Hà) với quốc lộ 5, một trong những khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn, va chạm giao thông cũng đã được xử lý triệt để. Cuối năm 2021, khi cầu chui qua cầu Lai Vu hoàn thành và đưa vào sử dụng, dải phân cách giữa quốc lộ 5 tại khu vực này đã được đóng lại. Tình cảnh công nhân ào sang đường mỗi khi vào giờ cao điểm đã chấm dứt. Nguy cơ TNGT ở khu vực này cũng vì thế giảm thiểu đáng kể.
Ngoài 2 “điểm nóng” trên, rất nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên toàn tuyến quốc lộ 5 đi qua Hải Dương đã được các cấp, các ngành phối hợp xử lý. Tuy nhiên, "vá chỗ nọ lại bục chỗ kia", ngoài một số "điểm đen" cũ tạm yên, vẫn còn đó nhiều điểm chưa thể xử lý, thậm chí phát sinh những điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn mới.
Khu vực Km 73+100 quốc lộ 5, đoạn giao cắt với quốc lộ 17B hướng đi thị trấn Phú Thái (Kim Thành) là một trong những “điểm đen” giao thông suốt nhiều năm qua. Một mặt, phương tiện từ thị trấn Phú Thái theo quốc lộ 17B đi quốc lộ 5 để rẽ phải về Hải Phòng, hoặc băng qua đường để rẽ trái về Hà Nội. Mặt khác, phương tiện từ Hải Phòng lên, đến đây rẽ trái để băng qua quốc lộ 5 vào quốc lộ 17B, hoặc phương tiện từ Hà Nội về, rẽ phải vào quốc lộ 17B. Tất cả các dòng phương tiện đó giao cắt nhau tạo nên một vị trí xung đột giao thông tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Chưa kể, các dòng phương tiện phải đi qua đường sắt.
Do đặc thù công việc, anh Trần Xuân Bộ ở xã Kim Anh (Kim Thành) thường xuyên phải lái ô tô ra vào nút giao trên. Bản thân anh Bộ cũng từng bị va chạm giao thông ở nút giao này. Anh chia sẻ: “Cảm giác mỗi lần lái xe qua nút giao này là một lần thấp thỏm. Sợ lắm. Một là lái ô tô vòng lên cầu vượt sang đường, nhưng cây cầu vượt rất nhỏ, hai xe ô tô đi ngược chiều gặp nhau ở giữa cầu thì một trong hai xe phải lùi lại, rất phức tạp. Cách khác là chọn một lộ trình thay thế, chấp nhận đi đường dài”.
Tại Km 58+250, trạm thu phí cũ quốc lộ 5 đã bỏ từ rất lâu nhưng vẫn chưa được giải phóng trả lại mặt bằng, còn nguyên một cái chòi cùng nhiều ụ bê tông được bao quanh bởi hàng lan can nằm trên đường. Cách đó vài chục mét là một vị trí sang đường của quốc lộ 5. Phần đường theo hướng Hải Phòng-Hà Nội đã cắm biển cấm quay đầu đối với ô tô song nhiều xe vẫn bất chấp để quay đầu. Phần đường hướng ngược lại chưa hề được cắm biển cấm quay đầu, dù khu vực này lưu lượng phương tiện tương đối đông, lại không có hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
Tại Km 36+800 quốc lộ 5 đoạn qua xã Cẩm Điền (Cầm Giàng) tồn tại một nút giao với đường vào xã Cẩm Điền. Dòng phương tiện trên đường 5 luôn cao, xung đột với dòng phương tiện ra vào xã Cẩm Điền khiến nút giao này từ lâu trở thành một trong những điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT ở mức cao.
Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên tuyến quốc lộ này. Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hải Dương, toàn tuyến quốc lộ 5 qua địa bàn tỉnh hiện tồn tại 11 điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT chưa được khắc phục tại nhiều đoạn tuyến, nhiều nhất trong số 6 tuyến quốc lộ được thống kê (gồm các quốc lộ: 5, 17B, 18, 37, 38, 38B).
Mặc dù theo báo cáo này, quốc lộ 5 hiện không còn “điểm đen”, song ranh giới giữa "điểm đen" và điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất mong manh nếu không có biện pháp khắc phục hiệu quả.
"Bài toán" khó
Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hình thành 11 điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT như đề cập ở trên. Một trong số đó là từ bất cập về hạ tầng giao thông. Không ít lối mở sang đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, người tham gia giao thông thường xuyên băng cắt để ra-vào hai bên quốc lộ.
Sống sát quốc lộ 5, chỉ cách nút giao giữa quốc lộ này với đường vào xã Cẩm Điền chừng vài mét, anh Lê Đình Quý kể cứ thi thoảng ở đây lại xảy ra một vụ va chạm giao thông.
“Tôi chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn, va chạm giao thông ở nút giao này. Dù những vụ đó không có người chết nhưng người thì gãy tay chân, người thì gãy răng, xe pháo hỏng hóc khiến tôi bị ám ảnh. Mỗi lần đi trên quốc lộ 5 là một lần lo nơm nớp”, anh Quý chia sẻ.
Một số vị trí khác như cổng khu công nghiệp Lai Vu, tình trạng họp chợ sát mép quốc lộ, ngay dưới biển cấm họp chợ vẫn diễn ra, công nhân, người dân đỗ ven đường mua bán hàng hóa. Một số điểm tiềm ẩn khác do thiếu hệ thống đèn báo hiệu nguy hiểm, thiếu hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm, không gờ giảm tốc, vạch sơn mờ…
Thậm chí, tại một số vị trí dọc tuyến quốc lộ 5 qua tỉnh, gần 10 nhà chờ xe buýt nằm sát lòng đường, khiến người dân chờ xe phải đối mặt nguy hiểm.
Trong chuyến đi khảo sát dọc hai bên tuyến quốc lộ này, chúng tôi nhận thấy xung đột giao thông có thể xảy ra tại bất kỳ lối mở sang đường nào. Chưa kể, nhiều đoạn tuyến vì nhiều nguyên nhân được mở rộng, sau đó lại thu hẹp vô tình tạo nên những nút thắt cổ chai.
Đại diện Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), đơn vị được giao bảo trì, bảo dưỡng quốc lộ 5 cho biết theo thiết kế, quốc lộ 5 có thể “gánh” lưu lượng 24.000 xe quy đổi/ngày đêm. Nhưng trải qua hơn 2 thập kỷ khai thác, tuyến đường “già” này đang từng ngày oằn mình chịu đựng lưu lượng 66.000 xe quy đổi/ngày đêm, vượt nhiều lần so với năng lực khai thác của đường.
Quốc lộ 5 đang được sửa chữa, lần sửa chữa lớn đầu tiên kể từ khi tuyến đường này được khai thác hơn 20 năm trước. Rồi đây mặt đường sẽ đẹp hơn, bớt đi những vết hằn lún. Song theo nhiều người dân, vì vẫn phải “cõng” lưu lượng phương tiện quá lớn nên nguy cơ TNGT vẫn còn đó, đe dọa tính mạng người dân.
9 tháng năm 2022, toàn tuyến quốc lộ 5 qua địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ va chạm, TNGT khiến 10 người chết, 8 người bị thương. Hiểu nôm na, trung bình cứ hơn 3 km xảy ra 1 vụ, mỗi tháng có 1 người chết trên cung đường này.
Đầu tháng 7.2022, tại cuộc họp giữa Ban An toàn giao thông tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) với VIDIFI, thượng tá, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Nguyễn Văn Minh đề nghị: “Trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cần tính toán mức thu phí ra sao, tải trọng thế nào để có thể điều hướng dòng phương tiện từ quốc lộ 5 sang tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Khi mức phí giữa 2 tuyến đường chênh lệch không quá nhiều, tự nhiên phương tiện sẽ phân đều sang 2 tuyến”. Ngoài ra, xe quá tải không thể, nói chính xác là không dám lưu thông trên cao tốc do có hệ thống trạm cân ở các khu vực cổng vào. “Nên chăng cần nghiên cứu, lắp đặt hệ thống trạm cân ở quốc lộ 5 để ngăn chặn tình trạng xe quá tải lưu thông”, ông Minh nói thêm.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lưu Văn Ngự, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh nhận định lưu lượng phương tiện quá cao trên tuyến quốc lộ 5 là một trong những nguyên nhân chính tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Do đó nếu có thể điều chỉnh lưu lượng giữa 2 tuyến quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ mang lại hiệu quả. “Ngoài ra cần xây dựng, cải tạo cầu vượt dân sinh. Bố trí mở rộng làn đường ở một số vị trí phù hợp. Xây dựng đường gom song song quốc lộ 5. Các doanh nghiệp vận tải cũng nên nghiên cứu, sử dụng các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường thủy để giảm áp lực cho vận tải đường bộ”, ông Ngự cho biết.
Quốc lộ 5 đoạn qua Hải Dương đi qua hàng chục xã, phường, thị trấn của các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Kim Thành và TP Hải Dương. Hầu hết hai bên đường có dân cư sinh sống, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, trường học, công sở, chợ... Ngoài ra, khoảng một nửa số km của quốc lộ này chạy song song với đường sắt Hà Nội-Hải Phòng. Tuyến “quốc lộ chạy qua làng” này cần được tính toán, điều tiết giao thông phù hợp, nếu không, cảm giác bất an, lo sợ sẽ luôn thường trực trong mỗi người mỗi khi lưu thông.
Thực hiện: HÀ KIÊN - HÀ NGA