Nhiều kỳ thi để xét tuyển, ôn thi thế nào?

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:20, 20/02/2023

Hiện nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển, không tham gia thì sợ khó cạnh tranh với thí sinh khác, nhưng tham gia thì không biết ôn thi thế nào?

Ngày 19.2, khoảng 6.000 học sinh Thanh Hóa bất chấp trời mưa tới dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp. Một trong các băn khoăn của các em là có nhiều kỳ thi xét tuyển của các trường.

Hãy tìm hiểu đi, nhiều chuyên ngành thú vị

Đây là thông điệp mà nhiều thầy cô ở chương trình tư vấn tuyển sinh tại Thanh Hóa chia sẻ với học sinh xứ Thanh.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết nhiều ngành nhân văn đang có chuyển dịch về cơ hội việc làm cũng như vị thế xã hội. 

Ví dụ như ngành tâm lý học thu hút sự quan tâm của nhiều người do nhu cầu nhân lực trong xã hội nhiều hơn.

"Ngày càng có nhiều học sinh cần hỗ trợ, tư vấn tâm lý. Vì thế các trường phổ thông hiện nay cũng quan tâm tới việc mở phòng tư vấn tâm lý cho học sinh và yêu cầu nhân lực rất cao", cô Hương cho biết.

Cô Hương cũng chia sẻ ngành lịch sử trước đây sinh viên ra trường chỉ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy nhưng bây giờ có nhiều chuyên ngành cho học sinh nhiều lựa chọn hơn. 

Ví dụ chuyên ngành lịch sử đô thị học cung cấp nhân lực cao trong lĩnh vực quản lý đô thị dựa trên kiến thức chuyên sâu về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của các cộng đồng dân cư. Đây là chuyên ngành rất thú vị và cũng có cơ hội việc làm cao.

"Xu hướng đào tạo đa lĩnh vực là như thế nào?". Trả lời câu hỏi này của một học sinh, PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Ngoại thương, giải thích: Trong mỗi ngành đào tạo, ngoài kiến thức chuyên ngành đó, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức của những ngành/chuyên ngành liên quan.

Để đáp ứng sát hơn nhu cầu nhân lực trong bối cảnh có nhiều biến động, các cơ sở đều xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng liên ngành để giúp sinh viên có đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng các yêu cầu mới của các ngành đào tạo. Ví dụ như ngành khoa học dữ liệu, ngoài kiến thức về kinh tế, sinh viên sẽ được học về công nghệ thông tin và nhiều kiến thức liên quan khác.

Theo các thầy cô, trên website của các cơ sở đào tạo đều có phần mô tả chi tiết về các ngành, chuyên ngành cụ thể. Nếu chịu khó tìm hiểu kỹ các em có thể sẽ tìm thấy những điểm thú vị của nhiều chuyên ngành/ngành và hình dung về công việc trong tương lai. Có cảm tình hay thích thú kết hợp với việc phù hợp với môn học sở trường là những tiêu chí để các em chọn ngành học chứ không chỉ quan tâm đến "cơ hội việc làm".

Nhiều thủ tục xét tuyển thực hiện trực tuyến

TS Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - chia sẻ về những nội dung thí sinh cần lưu ý trong mùa tuyển sinh năm 2023

Trao đổi về các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh năm 2023 tại chương trình, TS Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) lưu ý nhiều thủ tục đăng ký xét tuyển đại học năm nay vẫn thực hiện trực tuyến.

Ông nhấn mạnh về việc thí sinh bắt buộc phải đăng ký các nguyện vọng xét tuyển, xếp theo thứ tự ưu tiên trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy định bao gồm cả những nguyện vọng xét tuyển sớm và đã được các cơ sở đào tạo xác nhận đủ điều kiện trúng tuyển.

"Học bạ điện tử của học sinh lớp 12 năm nay sẽ được cập nhật trên hệ thống dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo để phục vụ công tác xét tuyển. Để không xảy ra sai sót, các em học sinh cần rà soát dữ liệu của cá nhân theo hướng dẫn của các thầy, cô ở trường THPT. Việc này tránh để xảy ra những trục trặc đáng tiếc trong quá trình tuyển sinh", TS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Trao đổi băn khoăn với một số phụ huynh về việc nguyện vọng 1 có chênh lệch điểm với các nguyện vọng sau đó thế nào, TS Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định không phân biệt về điểm giữa nguyện vọng 1 hay 2.

Nhưng khi thí sinh đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cần lưu ý đặt nguyện vọng mình mong muốn nhất ở vị trí cao hơn, có thể là nguyện vọng 1. Vì hệ thống sẽ xét lần lượt các nguyện vọng của thí sinh, đỗ ở nguyện vọng nào, dừng ở nguyện vọng đó.

Ông Hùng cũng cho biết tuy không quy định chênh lệch điểm giữa nguyện vọng 1 và các nguyện vọng kế tiếp nhưng trường hợp khi xét tuyển từ trên xuống tới hết chỉ tiêu, ở cuối bảng có những thí sinh có điểm nganh bằng nhau, kể cả khi đã xét tiêu chí phụ thì có thể các trường sẽ xét ưu tiên nguyện vọng 1 hơn. 

Tuy nhiên, trường hợp này sẽ hiếm. Vì trên thực tế chỉ chênh 0,01 điểm đã có thể xác định đỗ, trượt rồi.

Bối rối vì quá nhiều kỳ thi để xét tuyển

Không chỉ được tư vấn trực tiếp, tại các gian tư vấn, học sinh còn được hướng dẫn quét mã QR, nhập thông tin và câu hỏi để được giải đáp thắc mắc khi về nhà

Rất nhiều câu hỏi trực tiếp của học sinh ở Thanh Hóa liên quan tới các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. 

Anh Tuấn, một học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa), chia sẻ về tâm trạng lo âu khi có quá nhiều kỳ thi khác nhau để sử dụng kết quả xét tuyển: "Em không tham gia thi sợ bỏ lỡ cơ hội, sẽ khó cạnh tranh với thí sinh khác, nhưng mỗi kỳ thi một cách khiến em lo lắng và không biết nên ôn thi thế nào?".

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội và TS Nguyễn Quốc Chính, giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đều khẳng định học sinh bám sát kiến thức kỹ năng cơ bản của chương trình THPT thì có thể đáp ứng yêu cầu của các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy.

PGS.TS Trần Trung Kiên - trưởng phòng tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết để hỗ trợ thí sinh làm quen với kỳ thi đánh giá tư duy, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức đợt thi thử cho thí sinh. Các em có thể dự thi trên máy và ngồi ở bất cứ đâu cũng có thể tham gia được.

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo đang tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy đều có các đề thi tham khảo để các em làm quen cấu trúc bài thi.

Chuyên gia chia sẻ "công thức chọn ngành"

PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Ngoại thương, đặt câu hỏi ngược với các em học sinh tại chương trình tư vấn tuyển sinh tại Thanh Hóa và đưa ra một "công thức" lựa chọn gồm ba bước.

Thứ nhất, chọn trước ngành mình muốn học. Thứ hai, mỗi ngành chọn ra ba nhóm trước ở các mức từ thấp đến cao xét về uy tín của trường, cơ hội đỗ/trượt. Thứ ba, trộn tất cả thông tin về ngành/trường đã chọn thành một danh sách và xếp thứ tự ưu tiên theo mong muốn. Nguyện vọng thích nhất xếp số một.

Theo Tuổi trẻ