NATO kêu gọi Nga đừng chấm dứt hiệp ước hạt nhân với Mỹ
Thế giới - Ngày đăng : 21:20, 21/02/2023
Thông tin về việc Nga chấm dứt hiệp ước hạt nhân với Mỹ được Tổng thống Putin đưa ra ngày 21.2, khi ông có bài phát biểu trước Quốc hội và các lãnh đạo quân đội Nga.
Đây cũng là thời gian các nhà ngoại giao châu Âu nhóm họp ở Brussels (Bỉ) về tình hình Ukraine.
NATO mong Nga nghĩ lại về việc chấm dứt hiệp ước hạt nhân với Mỹ
Nhiều thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ukraine. Nhưng nhiều ý kiến lo ngại Nga sẽ dùng vũ khí hạt nhân. Điều này sẽ khiến "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine trở thành thảm kịch.
Hôm 21.2, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg có cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Sự kiện này trùng khớp với thời gian Tổng thống Nga tuyên bố đình chỉ hiệp ước hạt nhân với Mỹ.
Ngay sau tuyên bố của ông Putin, lãnh đạo NATO nêu quan điểm về việc này. Ông Stoltenberg cho biết "rất tiếc" với quyết định của Nga, và hy vọng Nga cân nhắc.
"Tôi lấy làm tiếc với quyết định của Nga về việc đình chỉ chương trình New START", Reuters dẫn lời ông Stoltenberg.
Ông Putin lý giải nguyên nhân tuyên bố chấm dứt thỏa thuận hạt nhân
Theo các chuyên gia, hiện nay Nga là nước sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với gần 6.000 đầu đạn hạt nhân. Nga và Mỹ nếu cộng lại sẽ chiếm chừng 90% số lượng đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu.
Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân mà ông Putin tuyên bố chấm dứt nêu trên chính là Hiệp ước New START, được ký ở Praha (CH Czech) năm 2010 và có hiệu lực từ 2011.
New START hạn chế việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ. Đây được xem như thỏa thuận giảm áp lực chạy đua vũ trang trong lĩnh vực hạt nhân. Năm 2021, Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí gia hạn thỏa thuận trên thêm 5 năm, tới 2026.
Đây cũng là hiệp ước hạt nhân duy nhất còn sót lại giữa Nga và Mỹ. Điều này đồng nghĩa việc chấm dứt nó sẽ báo hiệu tương lai khó lường.
Trong cuộc xung đột tại Ukraine, nhiều người đã lo ngại xung đột có thể mở rộng về quy mô và cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hãng tin Reuters cho rằng phát biểu của Tổng thống Putin là "một lời đe dọa hạt nhân" dành cho phương Tây về tình hình Ukraine.
Trong phát biểu ấy, ông Putin cáo buộc Mỹ đã nghĩ về chuyện tái khởi động các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Đây là lý do Nga phải thử nghiệm vũ khí nếu cần thiết.
Tổng thống Nga nhấn mạnh Matxcơva chỉ thử nghiệm hạt nhân nếu Mỹ hành động trước.
Ông nói: "Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ không làm điều này trước. Nhưng nếu Mỹ triển khai thử nghiệm thì chúng tôi sẽ làm. Đừng ai ảo tưởng rằng sự cân bằng chiến lược toàn cầu có thể bị hủy hoại".
Trong phản ứng sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích quyết định của Nga. Ông cho rằng đây là hành động "vô trách nhiệm", và khẳng định Mỹ sẽ quan sát kỹ lưỡng xem Nga sẽ làm gì.
"Tuyên bố của Nga rằng họ chấm dứt tham gia (New START) là điều đáng tiếc và vô trách nhiệm. Chúng tôi sẽ quan sát kỹ lưỡng xem Nga thực sự sẽ làm gì. Chúng tôi dĩ nhiên sẽ bảo đảm trong bất kỳ tình huống nào, chúng tôi cũng sẽ duy trì tư thế phù hợp vì an ninh cho đất nước mình và các đồng minh", ông Blinken nói ngày 21.2.
Theo Tuổi trẻ