Nhiều dự án giao thông vướng mặt bằng

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 06:00, 23/02/2023

Nhiều dự án giao thông do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư đang phải tạm dừng hoặc thi công cầm chừng chủ yếu do vướng mặt bằng, ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện và hiệu quả đầu tư.


Dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 394B đoạn từ quốc lộ 5 đến cầu vượt sông Sặt đang thực hiện cầm chừng do chưa được bàn giao mặt bằng sạch


Hiện nay nhiều dự án giao thông do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư phải tạm dừng thi công hoặc thi công cầm chừng do vướng mắc trong quá trình triển khai, trong đó chủ yếu về mặt bằng. Thực tế này làm ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện các dự án và hiệu quả đầu tư.

Chậm bàn giao mặt bằng

Dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối quốc lộ 37 (Chí Linh) được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 2.2021 và được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tháng 12.2021 với tổng vốn đầu tư hơn 469 tỷ đồng. Tuyến đường dài hơn 5 km, điểm đầu (km8+590) thuộc địa phận xã Hưng Đạo kết nối điểm cuối dự án xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu do UBND tỉnh Bắc Giang đầu tư; điểm cuối (km13+887,5) giao cắt quốc lộ 37 thuộc địa phận phường Cộng Hòa. Dự án này nhằm tạo tuyến đường kết nối liên tỉnh từ đường 398 quy hoạch mới là ĐH04 cũ (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) đến quốc lộ 37 (Chí Linh) để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa trong khu vực, phát triển du lịch tại khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông phía bắc của tỉnh, khai thác quỹ đất để phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của TP Chí Linh nói riêng và hai tỉnh Hải Dương - Bắc Giang nói chung. 


Sau khi thực hiện các thủ tục, cuối năm 2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã lựa chọn được nhà thầu thi công dự án này. Tuy nhiên hiện nay dự án vẫn chưa được triển khai do chưa có đường vào thi công. TP Chí Linh mới giải phóng mặt bằng (GPMB) được một phần đất nông nghiệp thuộc phạm vi dự án. Trong khi đó, dự án cầu Đồng Việt và đường dẫn bên phía tỉnh Bắc Giang đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.  

Dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 394B, đoạn từ quốc lộ 5 đến cầu vượt sông Sặt có tổng vốn đầu tư hơn 147 tỷ đồng thuộc địa phận xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 12.2021 với chiều dài 737 m. Điểm đầu tuyến tại km0+00 giao quốc lộ 5, điểm cuối km0+737 nối tiếp cầu vượt sông Sặt (do Công ty CP Trung Quý Bắc Ninh đầu tư). Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và theo kế hoạch vốn cấp hằng năm. Tuyến đường này hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ với cầu qua sông Sặt và đoạn tuyến đường tỉnh 394B đi qua khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, hình thành tuyến giao thông kết nối liên vùng, kết nối quốc lộ 5 với đường tỉnh 395, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bình Giang, Cẩm Giàng nói riêng và của tỉnh nói chung.


Khu vực chưa giải phóng mặt bằng thuộc dự án đường gom khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền (Cẩm Giàng)


Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, ngày 23.9.2021, đơn vị đã bàn giao cọc GPMB, đến ngày 12.4.2022 bàn giao bản đồ thu hồi đất thực hiện dự án đường tỉnh 394B đoạn từ quốc lộ 5 đến cầu vượt sông Sặt cho địa phương. Theo hợp đồng đã ký với nhà thầu thi công, thời gian thi công dự án này từ tháng 1.2023 và hoàn thành vào tháng 11.2023. Tuy nhiên đến nay dự án đang thi công cầm chừng vì vướng mặt bằng. Phạm vi đầu tuyến giáp quốc lộ 5 chưa GPMB xong nên đơn vị thi công không có đường vào để triển khai. 

Bên cạnh khó khăn về mặt bằng thi công, dự án xây dựng đường gom đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, huyện Kim Thành cũng đang phải tạm dừng thi công do vướng mắc về thỏa thuận vị trí đường dây thông tin, tín hiệu đường sắt để GPMB thực hiện dự án. Dự án này đã được tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 12.2020, trong đó có 5 đoạn với tổng chiều dài hơn 4 km thuộc bên phải tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng. Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 3,6 ha qua địa bàn các xã Tuấn Việt, Kim Xuyên, Phúc Thành và Kim Liên. Hiện nay, công tác GPMB theo hồ sơ thiết kế được duyệt cơ bản hoàn thành, nhưng thỏa thuận vị trí đường dây thông tin, tín hiệu đường sắt theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải còn vướng mắc. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang lập điều chỉnh thiết kế theo ý kiến của bộ. Vì vậy, dự án vừa khởi động thi công nền đường đã phải tạm dừng thi công. 

Chờ tháo gỡ

Theo UBND TP Chí Linh, dự án đường dẫn cầu Đồng Việt đi qua địa phận các phường, xã Hưng Đạo, Lê Lợi, Cộng Hòa có khối lượng GPMB rất lớn. Tổng diện tích đất thu hồi gần 24 ha của hơn 300 hộ dân. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư GPMB đã hoàn thành kiểm đếm tài sản, kiến trúc cho các hộ dân có đất bị thu hồi, lập và phê duyệt phương án bồi thường cho một số hộ dân của các địa phương trên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiều hộ dân còn thắc mắc về nguồn gốc đất nên chưa đồng ý nhận tiền bồi thường. Hiện nay, UBND các xã Lê Lợi, Hưng Đạo và phường Cộng Hòa đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xét duyệt nguồn gốc đất, tài sản trên các loại đất cụ thể để làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ này.

Qua tìm hiểu của phóng viên, liên quan đến GPMB đường dẫn cầu Đồng Việt, UBND TP Chí Linh đang báo cáo, xin ý kiến các sở, ngành, UBND tỉnh phương án để giải quyết vướng mắc liên quan đến các hộ dân sử dụng đất khoán của lâm trường (nay là Ban Quản lý rừng Hải Dương quản lý), các hộ tự khai hoang sử dụng đất trồng cây lâu năm, các hộ đề nghị thu hồi nốt phần diện tích còn lại không đủ điều kiện để ở hoặc canh tác…

Liên quan đến dự án đường tỉnh 394B đoạn từ quốc lộ 5 đến cầu vượt sông Sặt, diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án này khoảng hơn 4 ha, trong đó thu hồi đất nông nghiệp của 54 hộ, 7 hộ nhận khoán đất công điền và 3 doanh nghiệp tư nhân. Theo UBND huyện Cẩm Giàng, đến nay địa phương đã bồi thường, hỗ trợ xong đất nông nghiệp. Công tác GPMB của dự án đến nay còn một số vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất của các tổ chức, cá nhân trên đất chuyển đổi. Một số hộ và doanh nghiệp phải thu hồi đất ở đầu tuyến của dự án chưa phê duyệt phương án bồi thường. Địa phương đang báo cáo, xin cơ chế hỗ trợ cụ thể.

Do vướng mặt bằng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã gia hạn cho một số dự án giao thông đã hết thời hạn thi công theo hợp đồng. Khẳng định tầm quan trọng của công tác GPMB đối với các dự án, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lê Anh Tuấn chia sẻ, các dự án giao thông có đặc điểm chung là chạy dài theo tuyến. Phạm vi thu hồi, sử dụng đất phục vụ dự án thường lớn, liên quan đến nhiều hộ dân, công trình. Vì vậy, công tác GPMB khó khăn, phức tạp hơn các dự án khác. Để dự án triển khai thuận lợi, bảo đảm tiến độ thì công tác GPMB phải đi trước một bước. Địa phương sớm bàn giao mặt bằng sạch thì đơn vị thi công mới bảo đảm được tiến độ, sớm triển khai, hoàn thành, đưa các công trình vào khai thác để phát huy hiệu quả vốn đầu tư, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

PHAN ANH

Bên cạnh những dự án giao thông kể trên, hiện nay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang triển khai thực hiện một số dự án giao thông khác như: Đường trục Đông - Tây tỉnh Hải Dương, đường gom khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền (Cẩm Giàng), đường kết nối tỉnh lộ 398B với đường 345 Quảng Ninh. Trong đó, đường tỉnh 398B với đường tỉnh 345 Quảng Ninh đã thi công được 1,8 trong tổng số 2,4 km và đang phải tạm dừng thi công do vướng mắc trong việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; 2 dự án còn lại vẫn đang vướng mặt bằng. Ngoài các dự án đã nêu trên, còn nhiều dự án giao thông khác đang được triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công trong thời gian tới.

Công tác giải phóng mặt bằng cần cả hệ thống chính trị vào cuộc

Trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. 

Từ thực tiễn triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh cho thấy hầu hết các công trình, dự án, đặc biệt là dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đều gặp những vướng mắc trong GPMB. Những vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất đai, chính sách hỗ trợ bồi thường, tái định cư, hỗ trợ giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho người có đất bị thu hồi, về hỗ trợ tài sản xây dựng trên đất thu hồi. Nhiều người dân có đất bị thu hồi cho rằng: giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường; giá nộp tiền sử dụng đất khi bố trí tái định cư cao hơn so với giá bồi thường đất khi giải tỏa; giá bồi thường đất nông nghiệp còn thấp so với giá chuyển nhượng thực tế...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong GPMB hiện nay. Trong đó có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách, quy định về thu hồi đất, bồi thường, GPMB mặc dù đã được quy định chi tiết cụ thể tại Luật Đất đai 2013 và các văn bản dưới luật nhưng cũng còn nhiều nội dung phát sinh trong thực tiễn mà quy định đã ban hành còn chưa phù hợp hoặc chưa quy định đầy đủ, gây khó khăn cho đơn vị làm chuyên môn trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, còn có nguyên nhân chủ quan từ phía chính quyền địa phương như: việc chuẩn bị quỹ đất tái định cư trước khi thực hiện thu hồi đất của các gia đình; việc tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ quy định của pháp luật còn hạn chế, thậm chí né tránh, thiếu cương quyết, không giải quyết dứt điểm những tồn tại. Tại một số địa phương, công tác quản lý đất đai ở giai đoạn trước còn hạn chế dẫn đến vi phạm trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Không ít dự án thu hồi đất gặp vướng mắc do tình trạng người dân xây dựng công trình trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích. Bên cạnh đó, một số người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, hoặc cố tình đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi không phù hợp quy định của pháp luật hiện hành…

Để góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, công tác bồi thường GPMB cần được đặc biệt quan tâm, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tập trung vào cuộc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời. Trước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình, địa phương cần chuẩn bị quỹ đất tái định cư đối với dự án thu hồi vào đất ở của người dân, tuyên truyền, vận động kết hợp với việc giải thích và cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin dự án để tạo sự đồng thuận nhất trí cao trong nhân dân. Các sở, ngành, địa phương cần tổ chức triển khai các thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ GPMB bảo đảm công khai, dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Kịp thời giải quyết những thắc mắc, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của người dân trên cơ sở phù hợp chế độ, chính sách của Nhà nước. Các địa phương cần quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện công tác GPMB.

NGUYỄN THỊ NHƯ TRANG
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường