Kinh Môn phát huy giá trị di tích
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 15:07, 23/02/2023
Du khách đến tham quan, chiêm bái tại đền Cao An Phụ
Nhiều di sản văn hóa
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Kinh Môn vẫn còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng các dãy núi đá vôi, hệ thống hang động kỳ thú. Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú với nhiều lễ hội, nghề thủ công truyền thống gắn với di tích và cộng đồng dân cư. Trên địa bàn thị xã hiện có 202 di tích, trong đó có 1 quần thể di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 20 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị lịch sử, khoa học, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật.
Tại quần thể di tích quốc gia đặc biệt đền Cao An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương có đền Cao An Phụ là nơi An Sinh vương Trần Liễu đã lập trang ấp sinh sống. Chùa Nhẫm Dương-nơi Thánh Tổ Thủy Nguyệt khai sáng, tu hành và đắc đạo, cùng tổ đệ nhị là Chân Dung hòa thượng làm nên trung tâm thiền phái Tào Động đầu tiên của nước ta. Các hang đá quanh chùa còn là nơi tìm thấy hàng nghìn cổ vật quý như xương hóa thạch, đồ gốm, tiền đồng thời xưa được nhiều nhà khoa học đánh giá cao. Động Kính Chủ không chỉ là “Đệ lục động” của trời Nam mà còn là nơi thờ vua Lý Thần Tông, nơi lưu dấu tích của nhiều vua chúa. Đặc biệt với trên 50 tấm bia ma nhai do chính thợ đá Dương Nham khắc lên vách động đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Quá trình kiểm kê cho thấy các di tích trên địa bàn thị xã có 2.650 di vật, cổ vật. Số lượng lớn các di vật, cổ vật cho thấy sự chú trọng gìn giữ, bảo lưu di tích của chính quyền địa phương và người dân.
Phục dựng, bảo tồn
Theo Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Kinh Môn Nguyễn Thị Kha, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền thị xã đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn, phục dựng lại nghi lễ và trò chơi dân gian truyền thống như thi đấu cờ tướng, giải vật dân tộc… đúng với lễ hội xưa. Điển hình như lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương sẽ diễn ra vào ngày 5-7.3 âm lịch tới đây. "Trong khuôn khổ lễ hội năm nay, chùa dự kiến phục dựng lễ rước nước đã từng bị mai một. Để chuẩn bị cho nội dung này, nhà chùa đã chuẩn bị đồ lễ, tìm kiếm người để luyện tập”, sư thầy Thích Diệu Mơ, trụ trì chùa Nhẫm Dương cho biết.
Nhiều cổ vật có giá trị về khảo cổ học đang được trưng bày tại chùa Nhẫm Dương
Qua khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều di vật quý hiếm về đồ sắt, đồ gốm, tiền cổ tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Nhẫm Dương. Nhiều cổ vật có giá trị về khảo cổ học hiện được trưng bày tại đây, bước đầu đã thu hút nhiều đoàn khoa học, học sinh, sinh viên từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghiên cứu và học tập.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá về các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn đã được quan tâm, đầu tư kinh phí. Cách tuyên truyền đã theo định hướng mới, tiếp cận với các lứa tuổi bằng nhiều hình thức phong phú hơn mà không bị bó buộc trong một khuôn khổ nhất định. Trong đó, quảng bá, tuyên truyền về di tích làm nền tảng phát triển du lịch trên hệ thống thông tin đại chúng như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, một số Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh… Ngoài ra, việc tuyên truyền về lịch sử, giá trị di tích còn được đẩy mạnh trong học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, giá trị di sản văn hóa của dân tộc thông qua một số fanpage trên mạng xã hội.
Thị xã đã thành lập một số câu lạc bộ, nhóm hát múa, dân ca, chèo, hát văn để bảo tồn giá trị văn hóa, đồng thời phục vụ du khách đến với Kinh Môn. Địa phương cũng triển khai xúc tiến du lịch đến các công ty lữ hành tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Có chính sách liên kết với doanh nghiệp lữ hành đưa khách về tham quan tại các di tích, danh lam, thắng cảnh tại Kinh Môn.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, Trưởng Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn, năm nay, ban quản lý sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm, giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên tại quần thể di tích quốc gia đặc biệt, khu du lịch cấp tỉnh: An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; các di tích, hang động được xếp hạng của thị xã. Từ đó, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị cảnh quan, văn hóa tâm linh, hang động, khảo cổ học trên địa bàn thị xã. Tổ chức trải nghiệm tại các động Kính Chủ (phường Phạm Thái), Hàm Long-Tâm Long, hang Đốc Tít (phường Minh Tân); hang Chùa Mộ (phường Tân Dân).
Lượng du khách đến tham quan, chiêm bái các di tích trên địa bàn thị xã Kinh Môn ngày càng đông, không chỉ tập trung dịp lễ hội đầu xuân mà còn du lịch vãn cảnh suốt bốn mùa trong năm. Điều đó đã khẳng định giá trị của các di tích, đồng thời cho thấy vai trò, trách nhiệm của chính quyền và người dân thị xã Kinh Môn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
HUYỀN TRANG