Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật

Chính trị - Ngày đăng : 18:50, 23/02/2023

Ngày 23.2, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2.2023.

Thu tuong chu tri phien hop chuyen de xay dung phap luat thang 2 hinh anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Dự phiên họp có Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với ba đề nghị xây dựng luật và 4 dự án luật gồm: Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân; Dự án Luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); Dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Các bộ, ngành chủ trì soạn thảo trình bày tờ trình tóm tắt các đề nghị xây dựng luật, dự án luật; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định đối với các đề nghị xây dựng luật, các dự án luật. Bên cạnh đó, Chính phủ thảo luận sôi nổi về sự cần thiết ban hành các luật; tính thống nhất, phù hợp của các luật được đưa ra xây dựng lần này với pháp luật có liên quan và với thông lệ quốc tế, về các nội dung, chính sách cơ bản của các luật. Đặc biệt, thảo luận, phân tích các nội dung còn có ý kiến khác nhau để đưa ra phương án thấu tình, đạt lý.

Xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại

Đối với đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ thảo luận 9 nhóm chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội là Thành phố "văn hiến - văn minh - hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Trong đó, các đại biểu quan tâm đối với cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội; vấn đề tổ chức chính quyền đô thị; phân bố tài chính, ngân sách; quy hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị; cơ chế khuyến khích đổi mới sách tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát huy, phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế... Đặc biệt là cơ chế tạo nguồn lực, huy động nguồn lực cho phát triển, nhất là hợp tác công tư.

Góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc

Đối với đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân, các thành viên Chính phủ thảo luận các quy định về chính sách quản lý, chỉ huy, chỉ đạo lực lượng Phòng không nhân dân; chính sách xây dựng lực lượng Phòng không nhân dân; chính sách huy động lực lượng Phòng không nhân dân; chính sách đối với lực lượng Phòng không nhân dân. Các chính sách này là cơ sở pháp lý xây dựng lực lượng Phòng không nhân dân góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung về huy động, hoạt động lực lượng Phòng không nhân dân; quy định về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chính sách đối với Phòng không nhân dân...

Sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự linh hoạt

Về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng Luật để thay thế cho Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sau 28 năm thực hiện là cần thiết, nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn.

Các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề về quy định lực lượng quản lý, bảo vệ công trình sơ tán thời chiến của các ban, bộ, ngành trung ương; quy định thẩm quyền trong chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự; phân loại công trình quốc phòng... để tạo thuận lợi, linh hoạt cho quá trình thực hiện, bảo đảm yêu cầu về an ninh, quốc phòng, bí mật quân sự.

Thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng chuyên nghiệp hóa

Thảo luận về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các thành viên Chính phủ cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Các đại biểu tập trung thảo luận về việc hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên; về tổ chức và hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; các quy định về quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, nhất là hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với hoạt động đấu giá tài sản...

Các thành viên Chính phủ đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm tra và phân bổ nguồn lực hợp lý trong quản lý, tổ chức đấu giá tài sản; ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy công khai, minh bạch, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản; cần có quy định đặc thù về đấu giá tài sản cho các tài sản đặc biệt.

Bảo đảm quyền hiến định của người dân về quyền sở hữu nhà ở

Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ thống nhất trình dự án luật này, nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trên thực tiễn thời gian qua, nhất là về vấn đề sở hữu nhà chung cư, phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện và cơ hội để người dân có chỗ ở ổn định, lâu dài, góp phần ổn định xã hội, bảo đảm quyền hiến định của người dân về quyền sở hữu nhà ở.

Một số chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới như: vấn đề sở hữu nhà ở; chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; chính sách nhà ở xã hội; tài chính cho phát triển nhà ở; chính sách chung về quản lý, sử dụng nhà ở; quản lý, sử dụng nhà chung cư và quản lý nhà nước về nhà ở.

Một số nội dung được các thành viên tập trung thảo luận như: về sở hữu nhà chung cư; về bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; việc xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; xác định đối tượng được ưu đãi về nhà ở...

Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển nhanh, bền vững

Chính phủ thống nhất xây dựng Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển thị trường bất động sản; đồng thời kịp thời giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng tình hình mới.

Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn về các loại bất động sản đưa vào kinh doanh; sửa đổi, bổ sung một số nội dung để làm rõ, bảo đảm tính công khai, minh bạch của hoạt động kinh doanh bất động sản và tránh chồng chéo, giao thoa của hệ thống pháp luật; làm rõ các nội dung liên quan đến kinh doanh bất động sản dưới dạng quyền sử dụng đất trong các dự án bất động sản.

Chính phủ cũng thảo luận việc bổ sung một số nội dung quy định cụ thể về giao dịch, kinh doanh các loại bất động sản là công trình căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú, nhà phố thương mại; bổ sung quy định về việc điều tiết để bình ổn và bảo đảm sự ổn định, lành mạnh của thị trường bất động sản.

Đáp ứng xu thế phát triển của xã hội số, kinh tế số

Thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), các thành viên Chính phủ cho rằng, việc xây dựng Luật này là cần thiết, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hạ tầng viễn thông và thị trường viễn thông; khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Viễn thông năm 2009; bổ sung những quy định mới nhằm tạo nền tảng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, qua đó mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Để đạt mục tiêu trên, các thành viên Chính phủ thảo luận các nhóm chính sách lớn như: chính sách về kinh doanh trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây; chính sách quản lý dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông; kết nối internet vạn vật; quản lý, khai thác dữ liệu; hoàn thiện các quy định về cấp phép, kinh doanh viễn thông; chính sách về quản lý và phát triển dịch vụ viễn thông vệ tinh; chính sách quản lý và điều tiết thị trường viễn thông; quản lý thẻ trả trước và thuê bao di động; việc xây dựng quỹ viễn thông công ích; cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới; việc chia sẻ, bảo đảm bí mật thông tin...

Kiên quyết không chậm, không lùi, không hoãn, không rút

Cùng với cho ý kiến vào từng đề nghị xây dựng luật, dự án luật và giao nhiệm vụ hoàn thiện xây dựng các luật cho các bộ, ngành; phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các Bộ đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ và các đại biểu tại phiên họp; yêu cầu các bộ, ngành chủ trì tiếp tục tham vấn ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, của chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội; tham khảo kinh nghiệm quốc tế có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam để hoàn thiện các dự án luật.

Các bộ, ngành chủ trì tiếp tục hoàn thiện các dự án luật đã được thảo luận, trên tinh thần quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng; xuất phát từ thực tiễn, tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn, khơi thông, tháo gỡ ách tắc, điểm nghẽn về thể chế; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; đảm bảo hài hòa mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội.

Theo Thủ tướng, năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng, hoàn thiện thể chế. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, với hai phiên họp, Chính phủ đã xem xét đối với 11 đề nghị xây dựng luật và dự án luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; ưu tiên dành nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, từng đơn vị, cá nhân trong việc hoàn thành tiến độ, chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo; tránh cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật; bổ sung lực lượng làm công tác thể chế; tăng cường chế độ, chính sách.

Về nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ trưởng khẩn trương chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật theo đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023; gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đưa vào Chương trình bảo đảm tiến độ, chất lượng. Bộ Tư pháp tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ đề nghị. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký trình Quốc hội trước 1.3.2023.

Đối với các bộ, ngành có dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng. “Kiên quyết không chậm, không lùi, không hoãn, không rút ra khỏi Chương trình”, Thủ tướng nhắc nhở.

Đối với các bộ, ngành có dự án luật trình thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ trưởng chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện; chủ động truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận khi trình cấp có thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo TTXVN