Bệnh nhân ung thư ngày càng trẻ hóa
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 11:00, 24/02/2023
Anh T.A.B. (41 tuổi) đang điều trị giảm nhẹ tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Từ chỗ chủ yếu xuất hiện ở người trung đến cao tuổi, bệnh ung thư hiện đang chuyển hướng sang tấn công cả người trẻ tuổi.
Trẻ em cũng mắc
Năm nay 9 tuổi, nhưng em N.N.H. ở huyện Tứ Kỳ gầy gò, cân nặng mới được 23 kg. Sáu năm trước, H. thường xuyên bị đau chân, không đi lại được. Gia đình đưa em đi bệnh viện khám thì phát hiện bị ung thư máu. Từ đó đến nay, mỗi tháng một lần, H. phải theo cha mẹ lên Hà Nội kiểm tra máu, lấy thuốc về uống với chi phí đắt đỏ. H. ăn cơm rất ít, chủ yếu là uống sữa và thuốc để duy trì sự sống.
“Trong gia đình từ trước tới nay chưa có ai tiền sử bị ung thư. Các bác sĩ nói căn bệnh này chẳng đoán định được tương lai thế nào, khả năng sống sót là 50-50. Nhà tôi đông con, kinh tế eo hẹp nhưng vợ chồng bảo nhau sẽ cố gắng hết sức, chỉ mong sao cháu sẽ được ổn định”, chị Đ.T.C. (mẹ của H.) buồn rầu chia sẻ.
Theo tìm hiểu, trẻ em mắc ung thư hiếm gặp hơn so với người lớn nhưng không phải ít. Năm 2020, khi phải thực hiện cách ly xã hội, nhiều bệnh nhân mắc ung thư là trẻ em ở Hải Dương đã không thể lên Bệnh viện K Hà Nội để chữa trị. Bệnh viện này phải gửi bệnh nhân kèm theo thuốc, hoá chất, phác đồ điều trị về Bệnh viện Đa khoa Hải Dương nhờ trợ giúp.
Bác sĩ Cao Phi Long, Giám đốc Công ty TNHH MedLatec Hải Dương (phòng khám chuyên khoa xét nghiệm) ở TP Hải Dương cho biết bình quân mỗi năm phòng khám thực hiện xét nghiệm cho 5-7 trường hợp trẻ em từ 5-13 tuổi nghi ngờ mắc ung thư. Những trường hợp này gặp các vấn đề bất thường liên quan đến não, bạch cầu...
Bệnh nhân mắc ung thư cũng đang có sự dịch chuyển về độ tuổi, từ chủ yếu người từ 60 tuổi trở lên sang cả những độ tuổi trẻ hơn, phổ biến là từ 45-50 tuổi, thậm chí còn trẻ hơn. Trong số hàng trăm bệnh nhân hiện đang điều trị tại Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương) có những người đang ở độ tuổi thanh niên. Anh C.V.Q. (36 tuổi) ở TP Hải Dương phát hiện mình bị ung thư thực quản từ tháng 10.2022. “Cơ thể tôi vẫn khoẻ mạnh, ăn uống, ngủ nghỉ bình thường cho đến khi thấy bụng thường xuyên đau, sụt cân mới đi khám và được bác sĩ kết luận mắc ung thư giai đoạn muộn. Giờ bệnh đã di căn vào gan, tôi không ăn uống được gì mấy và thấy cơ thể mình xấu đi nhiều rồi”, anh Q. buồn bã nói.
Anh T.A.B. (41 tuổi) ở Cẩm Giàng bị ung thư xương hàm từ năm 2020, đến nay đã bước vào giai đoạn cuối. Mặc dù đã cưa hết xương hàm trên nhưng do phát hiện muộn nên bệnh đã di căn lên cả vùng đầu, mắt, xoang khiến anh rất đau đớn. Bác sĩ Trung tâm Ung bướu hằng ngày phải thực hiện liệu trình chăm sóc tích cực để giảm nhẹ cho anh. “Sau khi chuyển từ bệnh viện trên Hà Nội về, em đã nằm đây gần một tháng. Có lẽ là chẳng còn hy vọng gì cho em nữa rồi”, mẹ anh B. nói.
Sửa đổi thói quen xấu
Tình hình bệnh nhân mắc ung thư tại Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng đang có xu hướng tăng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2020, Việt Nam ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.
Tại Hải Dương, Trung tâm Ung bướu đang quản lý gần 6.000 người mắc ung thư. Trung bình mỗi năm trung tâm khám sàng lọc trên 20.000 người và phát hiện nhiều ca mắc ung thư ở giai đoạn muộn. Các dạng ung thư mắc nhiều là: gan, phổi, vú, đại trực tràng, dạ dày… Con số này có khả năng còn cao hơn vì nhiều bệnh nhân thường đi thẳng tuyến trên khám và điều trị.
Lý giải về độ tuổi ung thư ngày càng trẻ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết trình độ y khoa hiện đang phát triển, đa số người dân luôn quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Vì vậy, nhiều trường hợp ung thư được phát hiện khi tuổi đời còn trẻ nhờ tầm soát sớm. Ngoài các tác nhân do môi trường, di truyền gen thì lối sống thiếu lành mạnh, lười vận động cũng khiến bệnh ung thư có xu hướng tăng lên ở người trẻ. Lạm dụng rượu bia, thuốc lá thường xuyên là nguyên nhân của 30% các loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi. Chế độ ăn uống không hợp lý, sử dụng nhiều thịt, thức ăn chế biến sẵn đóng vai trò 35% nguyên nhân gây ung thư.
“Để phòng tránh ung thư thì mỗi người cần phải sửa đổi những thói quen xấu như hạn chế uống rượu bia, ăn ít thịt, tăng cường ăn cá, rau củ quả, các loại hạt. Hạn chế thấp nhất ăn những đồ chế biến sẵn, tập ăn nhạt, tránh đồ uống có đường, không ăn thực phẩm mốc, ôi thiu… Tóm lại là mỗi người, mỗi gia đình cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, phù hợp”, bác sĩ Hương nhấn mạnh.
Bác sĩ Cao Phi Long khuyến cáo mỗi người cần bố trí thời gian thực hiện công việc hợp lý để có thể nghỉ ngơi, giữ tinh thần thoải mái, đồng thời duy trì luyện tập thể dục thể thao hằng ngày sẽ giúp bản thân có sức đề kháng tốt, hạn chế các tế bào ung thư phát triển. Ngoài việc tiêm vaccine phòng ngừa một số bệnh nhiễm trùng như viêm gan B, C và tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung thì người dân nên đi khám, xét nghiệm tầm soát ung thư định kỳ.
BÌNH MINH