[Video] Những người nhặt rác trên núi Côn Sơn

Môi trường - Ngày đăng : 20:31, 26/02/2023

Ngày nào cũng vậy, họ chia nhau dọn dẹp để bảo đảm trước 7 giờ 30 khuôn viên sạch sẽ đón tiếp du khách.


Nhờ những nhân viên vệ sinh môi trường, khuôn viên di tích Côn Sơn luôn xanh, sạch, đẹp chào đón du khách về thăm

5 giờ sáng, những nhân viên tổ vệ sinh môi trường thuộc Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã có mặt tại chùa Côn Sơn. Người cầm chổi, người cầm dụng cụ hót rác... Ngày nào cũng vậy, họ chia nhau dọn dẹp để bảo đảm trước 7 giờ 30 khuôn viên sạch sẽ đón tiếp du khách. Trong không gian yên tĩnh buổi sáng sớm, tiếng chổi tre quét lá vang vọng khắp khuôn viên chùa. Còn vào cuối tuần, họ lại đem theo găng tay, khẩu trang, bao, chổi lên núi nhặt rác, quét lá. Ngày mưa thì trang bị thêm ủng, áo mưa.

So với núi Ngũ Nhạc, khu vực núi Côn Sơn có Bàn Cờ Tiên nên lượng du khách đến đây tham quan đông hơn. Cũng vì thế mà rác trải dài dọc hai bên đường lên núi. Quãng đường từ chân núi Côn Sơn lên đỉnh Bàn Cờ Tiên có gần 700 bậc đá, với chiều dài 1,6 km. Xa mà dốc như thế, các chị em trong tổ chia quãng đường này làm 2 đoạn và thay phiên nhau làm việc. Bước đến đâu, họ lại nhặt rác đến đấy, kể cả ở trong lùm cây hay những nơi có địa hình dốc.

Vừa bước trên những bậc đá nhặt rác, bà Nguyễn Thị Cảnh, nhân viên tổ vệ sinh môi trường khu di tích vừa nói: “Ở trên này lá thông rụng nhiều thì quét đi cho sạch, túi bóng, vỏ chai, vỏ bánh kẹo cũng nhiều, cứ nhặt xuống hàng bao tải. Chúng tôi leo suốt thì cũng quen, vừa leo vừa nhặt cứ đủng đỉnh nên cũng đỡ mệt hơn”. Leo núi nhặt rác vừa là công việc, cũng vừa là cách các bà rèn luyện sức khỏe. Nhìn thấy có những túi bóng rác ở trong lùm cây phía xa, bà Cảnh liền vén cành lá bước vào trong nhặt.

Chỉ một loáng, rác đã đầy bao, các bà lại khiêng những bao rác này xuống dưới chân núi, cho vào thùng  rồi di chuyển ra xe trước cổng. Sau đó sẽ có xe vệ sinh môi trường của TP Chí Linh đến chở đi.

Từ Tết đến giờ, những nhân viên trong tổ vệ sinh môi trường của bà Cảnh chưa được nghỉ ngày nào. Họ dọn vệ sinh di tích đến tận chiều tối ngày 30 Tết để sáng mùng 1 khách đi lễ chùa. Sau đó từ chiều mùng 1  lại tiếp tục công việc của mình.

Công việc nhặt rác này cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. "Khoảng chục năm về trước, có những lần tôi thấy cả kim tiêm của tệ nạn xã hội vứt ở những nơi vắng vẻ trên núi. Thấy thế thì lại phải đeo găng tay cao su, lót túi bóng mà nhặt thôi", bà Cảnh cho biết thêm.


Từ 5 giờ sáng hằng ngày, nhân viên môi trường đã đến quét dọn khuôn viên chùa

Bà Cảnh chỉ là một trong số 16 nhân viên đang trực tiếp làm nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh môi trường tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Vào các tháng diễn ra lễ hội, quân số được tăng lên hơn 30 người làm việc ở những địa điểm khác nhau để bảo đảm cho cảnh quan di tích luôn xanh, sạch, đẹp chào đón du khách. Trong số này, người ít thì 4 năm, người nhiều đã có gần 20 năm làm việc. Bất kể mưa hay nắng, cứ có khách, có rác là những người phụ nữ này lại đều đặn đi dọn.

Anh Đặng Đức Hiếu, một du khách quê ở Hải Dương nhưng công tác tại TP Hồ Chí Minh có dịp về quê, leo đỉnh Bàn Cờ Tiên chia sẻ: “Lâu lắm rồi tôi mới quay lại đây, đường lên núi được cải tạo sạch sẽ, leo tới đỉnh núi có hơi mệt nhưng không khí trong lành, mát mẻ”.

Với hơn 16 năm nhặt rác trên núi Côn Sơn, bà Cảnh nói: “Du khách những năm gần đây có ý thức hơn nhiều, sạch sẽ hơn, bỏ rác đúng nơi quy định. Còn riêng khu vực trên núi vào cuối tuần nhiều cháu học sinh vẫn vứt rác bừa bãi, nhất là vỏ chai lọ, túi bóng thì chúng tôi cũng vất vả hơn”.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay đón hơn 11 vạn lượt khách tới tham quan, chiêm bái. Trung bình mỗi ngày, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc phối hợp với Công ty CP Giao thông, Môi trường và Đô thị Chí Linh thu gom, xử lý 8,5 m3 rác thải. Vì vậy công tác vệ sinh môi trường là nhiệm vụ trọng tâm được Ban Quản lý chú trọng để bảo đảm cho môi trường di tích luôn xanh, sạch, đẹp, phục vụ du khách về du xuân. Ban quản lý cũng tăng cường cơ sở vật chất, bố trí thêm cả các thùng rác cố định và lưu động, thùng rác phân loại rác hữu cơ, vô cơ để khách bỏ rác đúng nơi quy định. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, biển báo của di tích, nhắc nhở du khách bỏ rác đúng nơi quy định, thực hiện nếp sống văn minh lễ hội để bảo đảm di tích luôn xanh sạch đẹp.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: “Không chỉ có tổ vệ sinh môi trường trực tiếp làm nhiệm vụ, chúng tôi còn phối hợp chính quyền địa phương, các đơn vị xung quanh làm công tác vệ sinh, thu gom rác kịp thời trong ngày để xử lý, phân loại. Đồng thời, kết hợp Ban Quản lý rừng, Hạt Kiểm lâm tăng cường giám sát, tuần tra khu vực núi để phòng chống cháy rừng”.

Sau khi hoàn tất công việc dọn dẹp, thu gom rác, những nhân viên vệ sinh môi trường lại khéo léo đi cắt tỉa cây, hoa trong khuôn viên di tích, cải tạo cảnh quan. Nhờ vậy mà khuôn viên di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc luôn tràn ngập sắc hoa dịp xuân về. Nụ cười, niềm vui của du khách khi đến thăm nơi đây chính là động lực làm việc mỗi ngày của họ.

Xem clip

 LINH LINH