Khắc phục những lực cản, vướng mắc còn tồn tại khi bỏ sổ hộ khẩu
Xã hội - Ngày đăng : 05:33, 27/02/2023
Sổ hộ khẩu. (Nguồn: Vietnam+)
Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, mặc dù Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Bộ Công an kết nối, chia sẻ tới 60/63 tỉnh thành, nhưng hiện phần lớn các đơn vị có thẩm quyền, cơ quan chức năng không thực hiện, vẫn yêu cầu công dân cung cấp giấy xác nhận cư trú.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: Thời gian qua, Bộ Công an đã tổ chức kiểm tra, khảo sát trực tiếp và ghi nhận phản ánh của dư luận về việc thực hiện quy định của Nghị định 104/2022/NĐ-CP, liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, tại bộ phận một cửa tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các địa phương.
Qua khảo sát, kiểm tra thực tế cho thấy, phần lớn các đơn vị có thẩm quyền, chức năng dù có đủ điều kiện tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng không thực hiện, vẫn yêu cầu công dân cung cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú (CT07) khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác.
Việc này gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho công dân, tạo nên bức xúc trong dư luận xã hội, đồng thời vi phạm quy định pháp luật. Nghiêm trọng hơn, những rào cản trên còn gây “mất niềm tin” của người dân đối với công cuộc cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.
Thống kê của Cục C06, Bộ Công an cho thấy, qua công tác vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến thời điểm hiện tại có 60/63 địa phương đã kết nối để phục vụ khai thác thông tin công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Hiện chỉ còn 3 tỉnh chưa kết nối là Gia Lai, Phú Yên, Bắc Kạn.
Một số địa phương có kết quả khai thác, xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Long An, Yên Bái, Điện Biên và Tuyên Quang. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều địa phương mặc dù đã kết nối, đủ điều kiện kết nối nhưng vẫn hạn chế trong khai thác, sử dụng thông tin dân cư.
Về nguyên nhân khiến các địa phương hạn chế trong khai thác, sử dụng thông tin dân cư, Cục C06 cho rằng, việc này xuất phát từ việc các bộ, ngành chưa cắt giảm thủ tục hành chính theo ngành dọc của mình, dẫn đến cán bộ tiếp nhận hồ sơ sợ sai sót, sợ bị kỷ luật nên không thực hiện khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó vẫn yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú. Cùng với đó, cán bộ, công chức khi thực thi công vụ không thực hiện đúng quy định, hướng dẫn, gây khó khăn, phiền hà cho công dân, tạo dư luận xấu.
Hạ tầng dữ liệu và pháp lý đã đầy đủ
Để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính công, Luật Cư trú năm 2020, trong đó có quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy từ ngày 1.1.2023, trước đó Bộ Công an đã hoàn thiện hành lang pháp lý, cũng như các điều kiện kỹ thuật để các bộ, ngành, địa phương khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an đã chuẩn bị các điều kiện, giải pháp phục vụ quy định của Luật Cư trú về bỏ sổ hộ khẩu giấy và tạm trú giấy.
“Có hai phần việc quan trọng và khó nhất, đó là xây dựng hạ tầng dữ liệu và pháp lý thực hiện Luật Cư trú, bỏ sổ hộ khẩu giấy, tạm trú giấy thì Bộ Công an đã hoàn thành trước thời điểm 1.1.2023,” Đại tá Vũ Văn Tấn khẳng định.
Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21.12.2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Thông tin dữ liệu được tích hợp tại thẻ căn cước công dân gắn chíp. (Ảnh: TTXVN phát)
Trong Nghị định 104/2022/NĐ-NQ đã quy định cụ thể việc cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng phối hợp với Văn phòng Chính phủ ban hành hướng dẫn số 761/VPCP-KSTT ngày 29.1.2022, hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các địa phương kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cũng theo đại diện Cục C06, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện quy định của Luật Cư trú về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy được quy định rõ ràng.
Cụ thể, tại Điều 38 Luật Cư trú năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.
Để thực hiện quy định nêu trên, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú. Ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính có yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú theo quy định thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình.
Hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ cung cấp 18 nhóm thông tin công dân theo quy định của Luật Cư trú để các cơ quan, đơn vị sử dụng khi giải quyết thủ tục hành chính. Trường hợp cần các nhóm thông tin khác thì bộ, ngành đó phải khai thác thông qua Cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoặc qua công tác nghiệp vụ chuyên ngành. Một nhiệm vụ rất quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện, đó là hoàn thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật để kết nối khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo tổ chức, cá nhân thuộc ngành dọc của mình thực hiện nghiêm túc quy định về việc sử dụng thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận thông tin cư trú; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định nêu trên theo thẩm quyền.
Theo TTXVN