Đức hy sinh của những "chiến sĩ áo trắng"
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:00, 27/02/2023
Dù vất vả, song đại đa số "các chiến sĩ áo trắng" vẫn vượt lên khó khăn, tận tụy với công việc
Cuốn nhật ký không đơn thuần là một tư liệu lịch sử mà còn tác động, nâng cao nhận thức chính trị, lòng yêu nước cho mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt giúp cho thế hệ trẻ hiểu thêm giá trị cuộc sống, phấn đấu sống xứng đáng với lý tưởng cao đẹp, sự hy sinh của lớp cha ông. Đối với những người làm trong ngành y, giá trị ấy càng được nhân lên gấp bội.
Năm ngoái, dự cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của HĐND tỉnh với cán bộ, nhân viên một bệnh viện tuyến tỉnh, tôi đặc biệt xúc động khi nghe giám đốc bệnh viện kể về một nữ bác sĩ vì cuộc sống khó khăn nên mỗi khi hết giờ làm việc lại tranh thủ đi dạy lái xe ô tô để kiếm thêm thu nhập. Không ít nhân viên trong ngành xin nghỉ việc vì áp lực công việc, thu nhập chưa tương xứng. Nữ bác sĩ này dư điều kiện và hoàn toàn có thể chuyển sang công tác tại một đơn vị khác với mức thu nhập tốt hơn nhiều lần. Nhưng sau cùng, chị chọn ở lại để đồng hành, chia sẻ khó khăn với cơ quan, đồng nghiệp.
Trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19 cam go những năm qua, hình ảnh những "chiến sĩ áo trắng" dốc lòng vì công việc, vì sức khoẻ nhân dân đã in dấu ấn đậm sâu trong lòng người dân. Ở nơi tuyến đầu chống dịch, họ đã âm thầm, lặng lẽ dấn thân, vượt qua biết bao gian truân, vất vả, mang hết sức mình cống hiến, hy sinh tình cảm và lợi ích cá nhân để mang lại cuộc sống bình an cho người dân. Chỉ tính riêng tại Hải Dương, hàng nghìn nhân viên y tế đã làm việc không ngơi nghỉ, nhiều đêm thức trắng lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch, tiêm vaccine cho nhân dân... Hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện ở trong khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhiều tháng không về nhà, quyết tâm bám trụ, chiến đấu đến cùng với dịch bệnh. Hơn 100 bác sĩ đã nghỉ hưu vẫn hăng hái đăng ký trở lại làm việc để diệt "giặc" Covid-19. Hay hình ảnh hàng trăm nhân viên y tế sẵn sàng lên đường đến các "điểm nóng" về dịch trên cả nước để chung lưng đấu cật cùng đồng nghiệp. Nhiều người trong số họ đã nhiễm bệnh, sức khoẻ suy yếu, tính mạng bị đe dọa nhưng vẫn quyết tâm bám trụ đến ngày dịch được kiểm soát mới trở về quê hương... Để rồi hôm nay, dịch bệnh đã bị đẩy lùi, cuộc sống yên bình của nhân dân đã trở lại bình thường. Họ xứng đáng là những người anh hùng trên mặt trận không tiếng súng.
Giờ đây, khi đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, khi chế độ, chính sách đãi ngộ chưa đáp ứng được kỳ vọng như mong muốn, song đại đa số những người khoác trên mình tấm áo blouse trắng vẫn vượt lên khó khăn, hăng hái, tận tuỵ với công việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, thực hiện tốt lời dạy của Bác: "Lương y phải như từ mẫu".
Chẳng thể kể được hết đức hy sinh, sự cống hiến của lực lượng nhân viên y tế, những người làm công việc cứu người. Nhân dân luôn trân trọng, mến thương và mãi khắc ghi công lao của họ - người chiến sĩ áo trắng.
BÌNH MINH