[Audio] Đề cương về văn hóa Việt Nam - khởi nguồn và động lực phát triển
Tin tức - Ngày đăng : 17:12, 27/02/2023
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023). (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời đã soi đường, mở ra thời kỳ mới trong văn học nghệ thuật, biến văn hóa, văn nghệ trở thành vũ khí sắc bén, khơi dậy sức mạnh tinh thần của cả dân tộc để chiến thắng kẻ thù xâm lược. Sau 8 thập kỷ, những giá trị tinh túy nào của đề cương đã được tiếp thu và tiếp nối phát triển trong thời đại mới?
Tọa đàm trực tuyến khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023): Khởi nguồn và động lực phát triển" diễn ra sáng 27.2 làm sáng tỏ hơn ý nghĩa cũng như giá trị này của Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm.
Các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ban, ngành liên quan; các văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu của tỉnh… dự tại điểm cầu Hải Dương.
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự tọa đàm tại điểm cầu Hải Dương
Soi đường
Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời trong bối cảnh đất nước bị ngoại bang đô hộ về mọi mặt. Về văn hóa, thực dân Pháp và phát xít Nhật không chỉ đàn áp các nhà văn hóa cách mạng, mua chuộc tài năng văn hóa, kiểm duyệt tài liệu văn hóa ngặt nghèo mà còn tổ chức tuyên truyền những luận thuyết nhằm phô trương quyền năng và sức mạnh của thực dân, phát xít, thực hiện chính sách ngu dân... Đề cương về văn hóa 1943 ra đời đã chỉ ra những vấn đề cốt lõi về văn hóa, xác định ba nguyên tắc vận động của nền văn hóa cách mạng là “Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa”.
Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu cùng các đại biểu đều khẳng định sự khai phóng về tư tưởng văn hóa. Đề cương đã mang đến luồng gió mới cho người làm văn hóa Việt Nam. Văn hóa đã khẳng định được ý nghĩa soi đường cho quốc dân đi, tạo thế giới quan, nhân sinh quan mới, hướng nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ đến với cách mạng và trở thành những người tiên phong xây dựng nền văn hóa mới. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, trải qua 80 năm, các luận điểm của đề cương xác định về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như một nguồn lực nội sinh cho phát triển. Đề cương cũng chỉ ra sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người trong phát triển văn hóa và các nguyên tắc vận động của văn hóa. Đề cương đã dự báo sáng suốt về tương lai văn hóa Việt Nam.
Giá trị vượt thời gian
Sau 8 thập kỷ, có những nội dung và khái niệm đã thay đổi nhưng giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 vẫn còn nguyên ý nghĩa. Nếu trong thời chiến, văn hóa thành “vũ khí” tinh thần cổ vũ đấu tranh giành độc lập thì nay lại trở thành nguồn lực, tài sản để phát triển đất nước. Văn hóa giúp khẳng định thương hiệu du lịch của nhiều địa phương, tạo sinh kế cho người dân, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định trong giai đoạn hiện nay chuyển đổi số cũng cần có văn hóa mới, đáng chú ý là văn hóa số. Những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn có ý nghĩa lớn đối với nền văn hóa số hiện nay.
Quang cảnh buổi tọa đàm tại đầu cầu Hải Dương
Còn Giáo sư Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định Đề cương về văn hóa Việt Nam như một thiết kế từ tư tưởng lý luận văn hóa, vừa truyền thống vừa hiện đại. Theo giáo sư, điều này giải thích vì sao suốt 80 năm qua giá trị, ý nghĩa và sức sống của đề cương vẫn luôn tỏa sáng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội khẳng định Đề cương về văn hóa năm 1943 là “gốc” của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và có giá trị đến tận hôm nay.
Tiếp thu ba nguyên tắc xây dựng văn hóa của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng ta đã phát triển, hoàn thiện hơn ở Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có hơn văn hóa dân tộc là một bổ sung mới để phù hợp hơn với bối cảnh toàn cầu hóa.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng đã nêu con người là mục đích của mọi sự phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam phát triển văn hóa để xây dựng con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Gần đây, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xem văn hóa là một yếu tố then chốt để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa đúc rút ý nghĩa và giá trị vượt thời đại của Đề cương về văn hóa Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh: Văn hóa là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau… Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ...
Tại tọa đàm, các ý kiến đều thống nhất trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam sẵn sàng đón nhận sự giao thoa với văn hóa thế giới nhưng vẫn phải giữ gìn giá trị truyền thống, tiếp thu có chọn lọc và phát huy bản sắc của chính mình. Văn hóa là “sức mạnh mềm” của quốc gia trong thời kỳ hội nhập và cũng là động lực để củng cố niềm tin, niềm tự hào dân tộc và khơi dậy tinh thần yêu nước.
HẢI MINH
Bản đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút trong những ngày bão táp của cuộc chiến đấu chống lại ách cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời được xem là cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng. Đề cương chỉ khoảng 1.500 chữ nhưng thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng và Nhà nước ta về văn hóa. |