Bộ Công Thương nói gì về phương án nâng dự trữ xăng dầu quốc gia?
Thị trường - Ngày đăng : 11:19, 28/02/2023
Phiên giải trình tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức
Tại phiên giải trình về tình hình về thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 28.2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải đáp nhiều thông tin về việc điều hành mặt hàng này đồng thời làm rõ về công tác Dự trữ xăng dầu quốc gia.
Nâng dần theo khả năng cân đối của ngân sách
Ông Diên cho hay thời gian qua Bộ Công Thương đã tích cực triển khai xây dựng Phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và đã 4 lần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại phương án trình Thủ tướng lần thứ tư vào ngày 27.12.2022, Bộ Công Thương đề xuất từ năm 2023-2025 nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.
Để thực hiện phương án này, ngân sách Nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách (hiện nay mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành Dự trữ quốc gia).
Để từng bước giải quyết khó khăn trên, ngày 17.2, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã tổ chức họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp.
“Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm ngân sách sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000-2.000 tỷ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng tổng mức xăng dầu Dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa theo quy định tại Quyết định số 1030 của Thủ tướng,” ông Diên cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, về nhiệm vụ thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ xăng dầu quốc gia và Dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối, phía Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, triển khai.
Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ trên đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do hiện nay Nhà nước chưa có Kho dự trữ quốc gia xăng dầu nên phải đi thuê của các doanh nghiệp, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hiện rất thấp, không phù hợp với thực tế. Bộ đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp bảo quản riêng xăng dầu Dự trữ quốc gia nhưng không có đơn vị tham gia.
Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng và tổ chức họp với Bộ Tài chính thống nhất giải pháp. Trước mắt, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp như trước đây để bảo quản xăng dầu Dự trữ quốc gia chung với hàng kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải đáp về công tác quản lý mặt hàng xăng dầu
Đối với mức phí trả cho doanh nghiệp bảo quản sẽ tạm thời tiếp tục áp dụng mức phí tại Quyết định số 65/QĐ-BKH ngày 17.1.2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về xăng dầu Dự trữ quốc gia để làm căn cứ cho Bộ Công Thương xây dựng lại định mức phí bảo quản xăng dầu để phù hợp với thực tế, gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành để tổ chức lựa chọn đơn vị bảo quản riêng.
Các đơn vị sẽ tiếp tục đánh giá kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương thức bảo quản (để chung hoặc để riêng) và xây dựng mức phí theo từng phương thức để so sánh, từ đó kiến nghị Chính phủ quyết định phương án bảo quản phù hợp; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về Dự trữ quốc gia xăng dầu cho phù hợp với tình hình thực tế.
Sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn điều hành giá xăng dầu
Liên quan tới việc điều hành giá xăng dầu, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng quy định tại Nghị định 83/CP, Nghị định 95/CP của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.
Bộ Công Thương đã chủ động kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá xăng dầu trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Trước các vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực chỉ đạo xử lý các vấn đề của Nhà máy theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, song theo ông, khó khăn chủ yếu hiện nay của Nhà máy là vấn đề tài chính.
Vì vậy, để xử lý các khó khăn này, các Bên tham gia góp vốn tại Dự án, Nhà máy và các Ngân hàng tài trợ vốn đang tích cực đàm phán để thống nhất phương án tái cấu trúc tài chính phù hợp.
“Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ trì chỉ đạo PVN) trong quá trình triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy, góp phần duy trì ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước,” ông Diên nhấn mạnh.
Hoàn thiện phương án về quản lý xăng dầu
Ông Diên cho biết ngày 22.3.2022, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/BCSĐ về thực hiện nhiệm vụ “Ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức quản lý nhà nước trong điều hành kinh doanh xăng dầu” bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần kiểm soát chặt chẽ, chính xác, đầy đủ nguồn cung của hệ thống phân phối xăng dầu trong nước.
- Biến động giá xăng dầu thời gian gần đây:
Từ đầu tháng 1.2023, Hệ thống cơ sở dữ liệu về điều hành và quản lý kinh doanh xăng dầu quốc gia đã được đưa vào vận hành. Dự kiến trong thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động để hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống và mở rộng phạm vi áp dụng quản lý đến các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên phạm vi toàn quốc.
Về rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, Người đứng đầu Bộ Công Thương thông tin, sau khi có chỉ đạo chính thức của Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP, Bộ Công Thương đã rất trách nhiệm, nỗ lực, khẩn trương triển khai xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 83/CP và Nghị định 95/CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo ông Diên, Bộ Công Thương đã tổ chức xin ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương và các đối tượng chịu tác động nhằm tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các bên có liên quan đối với nội dung dự thảo Nghị định.
Đến nay, Bộ đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng về phương án sửa đổi, bổ sung các Nghị định trên, trong đó tập trung vào một số vấn đề như: thời gian điều hành giá xăng dầu; quyền nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu (quy định về nguồn hàng, tỷ lệ chiết khấu tối thiểu…); công thức giá xăng dầu.
Cùng đó là phương thức điều hành giá xăng dầu; Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG); việc thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu… bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Theo Vietnam+