Tầm nhìn đến World Cup bắt đầu từ U20 Việt Nam
Trong nước - Ngày đăng : 11:00, 01/03/2023
Huấn luyện viên (HLV) Philippe Troussier không giấu diếm tham vọng đưa đội tuyển Việt Nam giành vé dự World Cup 2026. Trong lộ trình của nhà cầm quân người Pháp, U20 Việt Nam do HLV Hoàng Anh Tuấn phụ trách cũng đóng vai trò quan trọng.
U20 Việt Nam là nền tảng
Trong buổi ra mắt HLV trưởng tuyển Việt Nam, ông Troussier nhắc tới đội U20 Việt Nam như một phần trong chiến lược dài hơi đến World Cup 2026.
“Tôi cũng muốn nhắc tới đội U20 Việt Nam nữa. Bởi lẽ để hướng đến mục tiêu World Cup 2026, chúng ta cần lực lượng nòng cốt từ 22 đến 27 tuổi. Từ nay đến 2026, nhiệm vụ của tôi là phải xây dựng đội hình với nòng cốt như vậy”, nhà cầm quân người Pháp nói.
Ông Troussier có lý khi coi U20 Việt Nam là lực lượng quan trọng trong kế hoạch của mình. Từ nay đến World Cup 2026 là chặng đường kéo dài gần 4 năm. Trong khi ấy, lực lượng đội tuyển Việt Nam hiện nay, mà cụ thể là thành phần tham dự AFF Cup 2022, có 12 cầu thủ thuộc lứa 1995-1997, 5 người thuộc lứa 1991-1993. Chỉ còn 6 cầu thủ sinh năm 1998 trở về sau.
Ở thời điểm năm 2026, nhóm cầu thủ sinh từ 1991 đến 1993 đã ở bước vào độ tuổi 33 đến 35, rất khó để giữ được phong độ, thậm chí có người đã giải nghệ. Trong khi nhóm 12 cầu thủ từ 1995 đến 1997 sẽ rơi vào độ tuổi từ 29 đến 31.
Ở cấp độ bóng đá quốc tế, đây là thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp. Nhưng với đặc thủ của bóng đá Việt Nam, độ tuổi 30 là thời điểm bắt đầu phía bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Mà nhóm 12 cầu thủ này cộng 5 cầu thủ ở trên thuộc diện trụ cột của ĐTQG hiện nay. Do đó, lấy họ làm nòng cốt là một phép tính ẩn chức rất nhiều rủi ro.
Ông Troussier bắt buộc chọn nhóm cầu thủ trẻ hơn làm nòng cốt. Và lứa U23 cũng như U20 Việt Nam hiện nay chính là những lựa chọn hàng đầu. Nhưng lứa U20 Việt Nam được ông Troussier quan tâm hơn cả nhờ những lợi thế nhất định. Thêm 3 năm nữa, họ sẽ ở độ tuổi 22-23.
Ở Việt Nam, độ tuổi ấy chính là độ tuổi chín nhất, cầu thủ đạt đỉnh về phong độ cũng như thể trạng. Không khó để thấy, những cầu thủ như Thành Lương, Văn Quyến, Công Vinh, Tài Em hay gần đây là Hoàng Đức, Quang Hải giành danh hiệu Quả bóng vàng ở độ tuổi này.
Ngoài ra, với lứa U20 hiện tại, những cầu thủ trẻ chưa đạt đến độ chín, tức là họ vẫn còn tiềm năng phát triển, còn có thể uốn nắn. Điều ấy sẽ giúp HLV Troussier dễ dàng trong việc huấn luyện, truyền tải kiến thức mới về chiến thuật bóng đá. Thay vì gặp khó khi huấn luyện những cầu thủ đã vào độ cứng của sự nghiệp, rất khó để thay đổi tư duy đã ăn mòn từ lâu.
Thách thức cho U20 Việt Nam
Việc được coi là lực lượng nòng cốt sẽ tạo nên những áp lực không nhỏ cho lứa U20 Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên đó cũng là động lực để các cầu thủ trẻ phát triển, gỡ cái mác “tiềm năng”. Dù HLV Troussier không trực tiếp huấn luyện, U20 Việt Nam vẫn được săn sóc bởi một HLV mát tay với công tác trẻ là ông Hoàng Anh Tuấn.
HLV Hoàng Anh Tuấn là người trực tiếp phát hiện, dẫn dắt lứa cầu thủ tài năng Quang Hải, Tiến Linh, Hoàng Đức của ĐTQG hiện nay. Năm 2017, đội U20 Việt Nam trở thành đội bóng 11 người đầu tiên của bóng đá nước nhà giành quyền dự một kỳ World Cup. Lứa cầu thủ tài năng ấy kết hợp với dàn sao trẻ khóa I của bầu Đức tạo nên “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam.
Những thất bại ở sân chơi World Cup U20 đã giúp các cầu thủ nhanh chóng trưởng thành. Quang Hải, Tiến Linh, Văn Hậu chỉ mất 1-2 năm để trở thành trụ cột của ĐTQG. Trong khi Hoàng Đức giờ đây đã là cầu thủ không thể thiếu ở tuyến giữa của ĐTVN. Trải nghiệm ở các giải đấu lớn là rất quan trọng với các cầu thủ trẻ.
Tài năng của các cầu thủ trẻ U20 đã được kiểm định, khi rất nhiều nhân tố hiện tại từng qua tay tuyển chọn của ông Troussier. Những cái tên có thể kể ra như Khuất Văn Khang, Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Đình Bắc, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Thanh Nhàn,...
Bên cạnh tài năng và sự quyết tâm của cầu thủ, tài thao lược của HLV Hoàng Anh Tuấn rất quan trọng. HLV Hoàng Anh Tuấn có một đặc điểm huấn luyện rất phù hợp với bóng đá trẻ, đó là việc chú trọng rèn thể lực. Điều này không phải là tạo ra ưu thế về thể chất mà là đảm bảo các cầu thủ đạt trạng thái tối thiểu để đáp ứng được yêu cầu chiến thuật cấp độ cao.
Về mặt thể chất bẩm sinh, cầu thủ Việt Nam khó bề so sánh với những đội tuyển như Iran, Saudi Arabia, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Do vậy, việc rèn luyện thể lực thường xuyên của ông Tuấn giúp các cầu thủ có thể chống chọi trước các đối thủ vượt trội về tầm vóc. Đây là điều dễ hiểu, bởi nếu không đủ sức khỏe, cầu thủ khó lòng giữ được sự tập trung và tỉnh táo, đôi chân cũng không còn đủ mạnh mẽ để điều khiển trái bóng theo ý muốn.
Nhìn lại hành trình của U20 Việt Nam (khi ấy là U19 Việt Nam) ở VCK U19 châu Á 2016, các học trò của ông Tuấn đã chơi ngang ngửa với các đội bóng Tây Á như Iraq, UAE hay Bahrain. Khi có thế trận cân bằng với đối thủ, U19 Việt Nam tung ra những nhát dao chí mạng để mang về chiến thắng cuối cùng.
Và hành trình lần này cũng vậy, HLV Hoàng Anh Tuấn cũng tập trung đội tuyển sớm, ngay từ ngày mùng 6 Tết nguyên đán. Giáo án thể lực được ưu tiên ở giai đoạn đầu tiên trước khi thiết lập các phương án chiến thuật. Chiến thắng 2-0 trước U20 Saudi Arabia hay trận thua sát nút 0-1 trước Dubai FC, với thế trận áp đảo của U20 Việt Nam, là những tín hiệu tích cực cho thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn trên con đường hướng đến chiếc vé dự VCK U20 World Cup 2023 tới.
Theo VTC