Thủ tướng Nhật Bản bị chỉ trích vì đề xuất giảm nợ cho người có con
Thế giới - Ngày đăng : 16:55, 04/03/2023
Ý tưởng nhằm tăng tỷ lệ sinh ở Nhật Bản nhưng gây phản ứng vì nhiều người cho rằng đây là sự trừng phạt những người không sinh con.
Theo hãng thông tấn AFP ngày 4.3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã cam kết các biện pháp "chưa từng có" để giải quyết tỷ lệ sinh thấp của đất nước.Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông được cho là đang soạn thảo một loạt các khuyến nghị chính sách về vấn đề này cho Chính phủ.
Trong số này có đề xuất giảm nợ sinh viên cho các cặp vợ chồng có con. Tuy nhiên, ý tưởng này đã lập tức vấp phải sự chỉ trích từ các đảng đối lập.
"Giảm nợ sinh viên và sinh con là hai chuyện khác nhau, đúng chứ?", nữ nghị sĩ đối lập Noriko Ishigaki chất vấn ông Kishida tại một phiên họp Quốc hội ngày 3.3.
Thủ tướng Nhật Bản không phản bác hay bảo vệ ý tưởng của LDP. Thay vào đó ông nói rằng sẽ luôn tôn trọng các cuộc tranh luận tự do.
Bên ngoài nghị trường, ý tưởng đã vấp phải sự chỉ trích từ cộng đồng mạng.
"Điều này giống như nói 'Hãy trả giá bằng cơ thể của bạn!', 'Hãy sinh con nếu bạn muốn giảm nợ'. Không hiểu họ đang nghĩ gì. Việc sinh con có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác. Thật độc ác", một người dùng Twitter tỏ thái độ.
Đề xuất cũng gặp nhiều chỉ trích từ các chuyên gia và một số nhà sử học, nhà nghiên cứu lịch sử.
LDP dự kiến sẽ đệ trình các khuyến nghị cho Chính phủ của ông Kishida vào cuối tháng này, theo truyền thông địa phương. Hiện chưa rõ ý tưởng giảm nợ có bị loại bỏ hay không.
Ông Masahiko Shibayama, một nhà lập pháp của LDP và phụ trách vấn đề tăng tỷ lệ sinh ở Nhật Bản, đã lên tiếng bảo vệ ý tưởng giảm nợ trong cuộc phỏng vấn với hai đài truyền hình tư nhân.
Ông Shibayama lập luận kế hoạch này nhằm hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con chứ không phải trừng phạt những gia đình không con.
"Chúng tôi đang thảo luận về vấn đề này như một cách hỗ trợ việc nuôi dạy trẻ em hơn là một chính sách liên quan đến việc sinh con.
Thật đáng tiếc khi nó đang được hiểu là các gia đình sẽ không được phúc lợi gì trừ khi sinh con", ông Shibayama giãi bày.
Tỷ lệ sinh đang giảm ở nhiều nước phát triển, nhưng ở Nhật Bản, vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên cao thứ hai thế giới, chỉ sau Monaco.
Tỷ lệ sinh thấp nhưng già hóa dân số cao đặt ra những thách thức không nhỏ cho kinh tế và xã hội Nhật Bản.
Trong thông điệp chính sách hồi tháng 1 năm nay, Thủ tướng Kishida cho rằng không thể trì hoãn thêm nữa việc thảo luận về các chính sách liên quan đến trẻ em và nuôi dạy trẻ.
Theo Tuổi trẻ