Doanh nghiệp mới thành lập mong được hỗ trợ gì?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:15, 05/03/2023
Nhân viên Sở Kế hoạch và Đầu tư tư vấn cho người dân có nhu cầu đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Doanh nghiệp mới thành lập giống như mầm non, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để vun đắp, thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tạo động lực cho doanh nghiệp mới của Hải Dương thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Không mặn mà
Với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế thành lập và phát triển, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 11.7.2019 quy định một số chính sách hỗ trợ đăng ký thành lập mới DN giai đoạn 2019-2022 (gọi tắt là Nghị quyết 03). Theo đó, nghị quyết quy định hỗ trợ 100% mức lệ phí đăng ký thành lập DN lần đầu, 100% mức phí công bố nội dung đăng ký DN đăng ký lần đầu theo mức lệ phí do Bộ Tài chính quy định; hỗ trợ 50% chi phí sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số trong 1 năm kể từ khi DN, hộ kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN. Song chính sách này chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong đợi.
Kết quả thực tế đã chứng minh những hạn chế trong triển khai Nghị quyết 03 trong 3 năm (2020-2022). Mặc dù đã có 2.707 trong tổng số 4.593 DN mới đăng ký thành lập được nhận hỗ trợ, phần nào giảm chi phí khởi sự kinh doanh cho DN nhưng xét về tổng thể, hiệu quả của chính sách không cao. Tổng kinh phí hỗ trợ DN thành lập mới trong 3 năm là 341 triệu đồng, chỉ đạt 14,8% so với dự toán bố trí. Nguyên nhân do mức hỗ trợ hạn chế khi lệ phí đăng ký DN là 50.000 đồng/DN và phí công bố nội dung đăng ký DN 100.000 đồng/lượt. Mặt khác, đối tượng hỗ trợ hẹp khi chỉ hỗ trợ trường hợp không thực hiện thủ tục hành chính qua mạng điện tử, trong khi phần lớn các DN sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến để đăng ký thành lập. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số phải thực hiện theo Luật Đấu thầu nên triển khai còn lúng túng, tiến độ thực hiện chậm. Hiện có nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ chứng thực chữ ký số với các chương trình khuyến mãi cho DN với chi phí thấp, hợp đồng sử dụng dài từ 3-5 năm trong khi định mức hỗ trợ DN chỉ thực hiện 1 lần với 50% chi phí nên không khuyến khích được các DN đăng ký thụ hưởng. Vì vậy, nội dung hỗ trợ này trong 2 năm 2020 và 2022 không triển khai được, còn năm 2021 tỷ lệ thực hiện chỉ đạt 0,18%.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, chính sách hỗ trợ trên khó có thể thúc đẩy việc thực hiện chỉ tiêu về DN đăng ký thành lập mới trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm của tỉnh. Bởi số lượng DN thành lập mới phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài như môi trường đầu tư, thị trường tiêu thụ, tình hình kinh tế khu vực. Mặt khác, hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh đã được đơn giản hóa tối đa nên không cần thiết phải hỗ trợ. Còn khó khăn, vướng mắc và nhu cầu cần được hỗ trợ hầu hết phát sinh trong quá trình hoạt động. Do đó, chính sách hỗ trợ thời gian qua của tỉnh không tạo được hiệu ứng, sức lan tỏa lớn và DN cũng không mặn mà.
Anh Trần Văn Hoạt (ngoài cùng bên phải), Giám đốc Công ty CP Điện tổng hợp Forward Electric mong nhận được hỗ trợ về quản trị doanh nghiệp
Phải đúng và trúng
Khởi nghiệp gần 4 năm trong lĩnh vực điện dân dụng, anh Trần Văn Hoạt, Giám đốc Công ty CP Điện tổng hợp Forward Electric (TP Hải Dương) khẳng định những chính sách hỗ trợ của Nhà nước là phao cứu sinh giúp DN ngày càng lớn mạnh, trưởng thành. Tuy nhiên, việc hỗ trợ phải đáp ứng đúng nguyện vọng, là chìa khóa gỡ nút thắt trong sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, việc tiếp cận hỗ trợ cũng phải đơn giản, tránh những thủ tục rườm rà gây khó khăn cho DN. “Thay vì hỗ trợ phí đăng ký hay thực hiện chữ ký số thì các cấp, ngành có thể nghiên cứu để xây dựng quy định hỗ trợ về quản trị DN, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất… Đây là vấn đề mà DN mới thành lập vừa thiếu, vừa yếu. Có như vậy mới khích lệ được tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp”, anh Hoạt nêu ý kiến.
Anh Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng SOHA (Thanh Hà) mong muốn tỉnh có thay đổi trong nội dung hỗ trợ. DN mới thường có nhiều hạn chế trong nắm bắt thông tin thị trường, lúng túng khi liên kết, phát triển mạng lưới. Vì thế, hỗ trợ không nhất thiết là vốn mà có thể giúp DN nâng cao năng lực quản trị thông qua các lớp tập huấn.
Trước những bất cập của chính sách hỗ trợ cho DN thành lập mới, cuối tháng 2.2023, UBND tỉnh đã thống nhất thời gian tới không tiếp tục thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 03. Đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tình hình thực tế và quy định pháp luật hiện hành phối hợp với các sở, ngành xây dựng quy định một số nội dung, mức chi hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2027 để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trong kỳ họp cuối năm. “Ngoài các căn cứ pháp lý, sở sẽ tham khảo việc xây dựng, tổ chức thực hiện hỗ trợ cho DN của một số tỉnh, thành phố để xây dựng nội dung hỗ trợ phù hợp, thỏa đáng. Trong đó tập trung hỗ trợ về công nghệ thông tin, phát triển nhân lực, chuyển đổi mô hình, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị… Dự kiến trong tháng 5 tới, sở sẽ hoàn thiện báo cáo và trình các cấp có thẩm quyền”, ông Lê Hồng Diên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin.
DŨNG CƯỜNG