Khai hội chùa Giám lần thứ 40

Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 13:51, 05/03/2023

Sáng 5.3 (14.2 âm lịch), UBND xã Định Sơn (Cẩm Giàng) tổ chức khai hội chùa Giám lần thứ 40.

Đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham quan, chiêm bái chùa Giám trong ngày khai hội

Sau 3 năm tạm dừng do dịch Covid-19, lễ hội chùa Giám năm nay được tổ chức trở lại với đầy đủ các nghi thức truyền thống và đón hàng nghìn nhân dân cùng du khách thập phương về tham quan, chiêm bái. Đây là di tích quốc gia đặc biệt duy nhất của huyện Cẩm Giàng còn do UBND xã quản lý.

Tòa cửu phẩm liên hoa ở chùa Giám được công nhận bảo vật quốc gia

Chùa Giám là ngôi cổ tự gắn liền với thân thế Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lê, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 13.3.1974 và là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2017.

Thiền sư Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, quê làng Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng). Ông sinh khoảng năm 1330, mồ côi cha mẹ lúc 6 tuổi, được nhà sư chùa Hải Triều (tức chùa Giám) nuôi dạy, thi đậu Hoàng Giáp năm 22 tuổi nhưng không ra làm quan. Hơn 30 năm ở chùa, ông dành thời gian nghiên cứu và chữa bệnh bằng thuốc Nam, là người nắm vững y lý đông y, có công đầu trong nghiên cứu dược tính và chẩn trị bằng thuốc Nam. Trong lịch sử y dược dân tộc, Tuệ Tĩnh được suy tôn là Thánh sư Nam dược (Vị Thánh thuốc Nam).

Theo các tài liệu lịch sử và bộ dã sử của Ngô Vi Liễn, chùa Giám được xây dựng từ thời Lý. Đến thế kỷ XIV, Thiền sư Tuệ Tĩnh đứng ra trùng tu. Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, chùa được xây dựng theo kiểu nội công, ngoại quốc. Trong các hiện vật kiến trúc còn lưu giữ, tòa cửu phẩm liên hoa có vị trí đặc biệt, mang kiến trúc nghệ thuật độc đáo còn giữ được nguyên bản. Năm 2016, cửu phẩm liên hoa chùa Giám được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.

Đánh cờ người là một trong những hoạt động không thể thiếu tại lễ hội truyền thống chùa Giám

Cùng với cửu phẩm liên hoa, chùa và nghè còn lưu giữ nhiều pho tượng và cổ vật có giá trị, trong đó có tượng Thiền sư Tuệ Tĩnh, được phiên bản thờ ở nhiều nơi trong cả nước. Hệ thống 16 bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII, XVIII là những văn bản quý để nghiên cứu lịch sử di tích.

Trong khuôn khổ lễ hội chùa Giám năm nay còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian như đánh cờ người, bóng chuyền...

Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động thể thao đã được tổ chức

Lễ hội chùa Giám diễn ra trong 3 ngày. Ngày 6.3 (15.2 âm lịch), lễ hội truyền thống đền Xưa - quê hương của Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh sẽ được tổ chức tại xã Cẩm Vũ. Đền Xưa nằm trong cụm di tích quốc gia đặc biệt của huyện Cẩm Giàng cùng với Văn miếu Mao Điền, chùa Giám, đền Bia.

TIẾN HUY