Nhớ đồng chí Lê Thanh Nghị qua những kỷ vật, dòng lưu bút

Chính trị - Ngày đăng : 09:30, 06/03/2023

Những kỷ vật, dòng lưu bút trong nhà tưởng niệm cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị ở xã Gia Khánh (Gia Lộc) gợi nhớ về một người cộng sản kiên trung, luôn thực hành cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị.


Chiếc bàn làm việc đơn sơ của cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị được trưng bày trong nhà tưởng niệm

Tấm gương sáng

Những ngày này, tại nhà tưởng niệm cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị thường xuyên có những đoàn đại biểu đến thăm, dâng hương tưởng nhớ 112 năm ngày sinh của đồng chí (6.3.1911-6.3.2023).

Ông Nguyễn Bá Tảo, người trông nom nhà tưởng niệm suốt 19 năm nay từ khi công trình khánh thành dẫn chúng tôi đi xem những tấm ảnh, tư liệu, kỷ vật trong suốt cuộc đời của đồng chí Lê Thanh Nghị. Các tư liệu, hiện vật ở đây được trưng bày với 4 chủ đề: Giới thiệu về quê hương, gia đình và thời ấu thơ của đồng chí Lê Thanh Nghị; thân thế, sự nghiệp; những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế tặng đồng chí Lê Thanh Nghị; tình cảm của đồng chí với quê hương.

Ấn tượng nhất với chúng tôi và nhiều người đến đây là những kỷ vật mà đồng chí cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước để lại. Ở gian bên cạnh nhà tưởng niệm là chiếc bàn đơn sơ, làm bằng gỗ ép công nghiệp mà sinh thời đồng chí Lê Thanh Nghị dùng để làm việc khi ở nhà. Cùng với chiếc tivi đen trắng đồng chí vẫn thường xem, những chiếc áo len, áo khoác, áo đại cán đã sờn cũ được đặt trang trọng trong tủ kín cũng gợi nhớ về người lãnh đạo giản dị, gần gũi. Hàng trăm kỷ vật, huy hiệu được in bằng nhiều thứ tiếng khác nhau đủ để mọi người cảm phục trước uy tín quốc tế, tài năng ngoại giao của đồng chí.


Tấm ảnh Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị và nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro tại trại bò giống ở Cuba năm 1966 được treo trang trọng ở nhà tưởng niệm

Sinh thời, đồng chí Lê Thanh Nghị luôn là tấm gương sáng về tinh thần tự học suốt đời. Là con thứ 4 trong một gia đình nhà nho nghèo đông con, đồng chí được học từ nhỏ nhưng sớm phải bỏ học để đi làm. Khi đi làm thợ điện, đồng chí chắt chiu tiền đi học thêm, để đọc được sách kỹ thuật bằng tiếng Pháp. Trong tù, đồng chí cũng học nâng cao trình độ tiếng Pháp, học văn hóa, lý luận chính trị cách mạng, học làm lựu đạn… Niềm đam mê nghiên cứu khoa học, học tập của đồng chí đã trao truyền lại cho các con. Trong 5 người con của đồng chí thì có đến 4 người làm khoa học.

“Mọi người đến đây vừa cảm phục nhân cách sống, vừa khâm phục tài năng, trí tuệ của ông Lê Thanh Nghị. Những cuốn sách ông để lại có lẽ là giá trị nhất trong các hiện vật ở đây”, ông Nguyễn Bá Tảo vừa nói, vừa giới thiệu cho chúng tôi hàng chục đầu sách của cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước được trưng bày trong nhà tưởng niệm.


Xúc động những dòng lưu bút


Hàng chục cuốn sách của đồng chí Lê Thanh Nghị được trưng bày trong nhà tưởng niệm

“Tôi nguyện noi gương anh phấn đấu cho hạnh phúc của nhân dân Việt Nam cho đến ngày thở hơi cuối cùng”, đó là những dòng xúc động của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết trong ngày đồng chí Lê Thanh Nghị qua đời.

Ở nhà tưởng niệm, cuốn sổ ghi lưu bút cũng đã gần hết những trang cuối cùng. Lật giở từng trang, chúng tôi xúc động trước những dòng viết của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, các cháu học sinh. Cách đây tròn 19 năm, ngày 6.3.2004, khi về dự khánh thành nhà tưởng niệm, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười viết mở đầu sổ lưu bút: “…Đồng chí Lê Thanh Nghị - một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, một nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, một Ủy viên Bộ Chính trị và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tài năng, đức độ đã có nhiều công lao trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội…”.

Cùng với những tình cảm dạt dào, sự cảm phục đối với đồng chí Lê Thanh Nghị, trong cuốn lưu bút còn có kỷ niệm của những người từng được gặp gỡ, công tác cùng đồng chí. Trong cuốn lưu bút cũng có những câu thơ như những nén hương thơm kính dâng nhà cách mạng tài năng, tiêu biểu của Đảng: “Cuộc đời thanh bạch chẳng vàng son/ Trọn nghĩa vẹn tình với nước non/ Tấm gương trung liệt còn lưu mãi/ Lưu để muôn đời cho cháu con”.

Ghi những dòng trang trọng vào sổ lưu bút, bà Nguyễn Thị Ngân, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) xúc động cho biết: “Những tình cảm, sự kính trọng của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đồng chí Lê Thanh Nghị đã cho thấy tài năng, đức độ của cụ lớn như thế nào. Đến thắp hương tưởng nhớ cụ, được đọc những trang viết trong sổ lưu bút tôi càng thêm khâm phục cụ, càng tự hào về quê hương và con người Hải Dương”.

Năm tháng đi qua, tấm gương sáng của nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú, kiệt xuất của quê hương Hải Dương Lê Thanh Nghị vẫn sáng mãi.

Cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị (1911-1989) tên thật là Nguyễn Khắc Xứng, quê ở thôn Thượng Cốc, xã Gia Khánh (Gia Lộc). Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1928 và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930. Sinh thời, đồng chí giữ nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước. Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa II, III, IV, V; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa III, IV; đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa II đến khóa VII.

HOÀNG BIÊN