Mùa mật ngọt ở Kinh Môn

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:10, 08/03/2023

Mùa xuân, khi hàng trăm loài hoa đua nhau bung nở cũng là thời điểm những người nuôi ong ở thị xã Kinh Môn vào mùa thu hoạch mật ngọt.

Những chiếc cầu ong căng tràn mật ngọt là thành quả của ông Toán ở thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng sau những chuỗi ngày chăm sóc đàn ong

Phát huy lợi thế

Thị xã Kinh Môn có gần 1.400 ha rừng với nguồn hoa phong phú cùng với nhiều diện tích cây ăn quả khác. Đây là những điều kiện tự nhiên thuận lợi để người dân địa phương phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Gia đình ông Nguyễn Văn Độ (ở khu dân cư Văn Ổ, phường An Sinh) có 70 thùng ong mật. Mỗi khi đến tháng 3, không chỉ đặt ở vườn nhà, ông Độ còn mang những thùng ong lên đặt ở ven đồi rừng để ong có thể hút mật hoa rừng. Theo ông Độ, rừng An Phụ có thảm thực vật phong phú,  mang lại nguồn hoa sạch, chất lượng và thơm ngon. Những tán rừng cho ong mật ngọt và ngược lại nhờ những con ong chăm chỉ hút mật, thụ phấn cho hoa mà cây trong rừng đơm hoa, kết trái thuận lợi, càng làm thảm thực vật thêm phong phú. Nhờ nuôi ong lấy mật mà mỗi năm gia đình ông Độ thu lãi từ 60-70 triệu đồng. 

Từ năm 2016, ông Vương Văn Toán (ở thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng) bắt đầu nuôi ong lấy mật. Theo ông Toán, mùa xuân vẫn là thời điểm ong cho chất lượng mật tốt nhất bởi đây là lúc nhiều loài hoa đua nhau nở rộ, tạo nguồn phấn dồi dào cho ong làm mật. Thời tiết năm nay thuận lợi, các loài hoa rừng, hoa từ những vườn cây ăn quả như vải, nhãn, xoài, bưởi bước vào thời kỳ nở rộ là điều kiện lý tưởng cho đàn ong đi tìm mật. Những chiếc cầu ong căng tràn mật ngọt là thành quả của ông Toán sau những chuỗi ngày chăm sóc đàn ong. Với 90 thùng ong, năm nay hứa hẹn ông Toán sẽ có một vụ mật bội thu. 

Xây dựng thương hiệu 

Nghề nuôi ong lấy mật ở Kinh Môn đã có từ lâu, nhưng trước đây thường là do các hộ dân nuôi tự phát, hiệu quả chưa cao do không áp dụng khoa học kỹ thuật, không đầu tư phương tiện phục vụ sản xuất. Trung bình, mỗi thùng ong thường chỉ cho sản lượng từ 5-7 lít mật/năm. Với mong muốn nghề nuôi ong lấy mật trở thành hướng phát triển kinh tế chính của nhiều hộ dân, xây dựng thương hiệu cho mật ong Kinh Môn để nhiều người biết đến, năm 2019, ông Nguyễn Đức Thả cùng một số người đã tập hợp và thành lập HTX Nuôi ong nội rừng Kinh Môn. Việc thành lập HTX tạo cơ hội để các thành viên và người dân địa phương có hướng đi mới phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong lấy mật, cung cấp ra thị trường nguồn mật quý từ thiên nhiên, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật giúp nhau nhân rộng đàn ong và thu mua, tiêu thụ sản phẩm mật ong. Ông Độ và ông Toán đều là thành viên của HTX Nuôi ong nội rừng Kinh Môn ngay từ những ngày đầu thành lập. 

Mật ong nội rừng Kinh Môn được quan tâm xây dựng thương hiệu, có tem mác, mã vạch, truy xuất nguồn gốc

Sau khi thành lập, HTX đã mời một số chuyên gia truyền đạt những kiến thức cơ bản, khoa học kỹ thuật để các thành viên biết quy luật của đàn ong, thời kỳ dưỡng ong, cho ong làm chúa, nhân tạo giống. “Chúng tôi đã hướng dẫn hộ dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, triển khai các lớp tập huấn nâng cao kiến thức nuôi dưỡng, phòng và điều trị bệnh trên đàn ong cho người dân. Hướng dẫn người dân nuôi ong lấy mật theo tiêu chuẩn VietGAP để cho sản phẩm mật đặc, thơm ngon. Thông qua Liên minh HTX tỉnh, HTX Nuôi ong nội rừng Kinh Môn được hỗ trợ một phần kinh phí để mua máy hạ thủy phần, phá kết tinh để xử lý mật ong. Sau khi quay xong mật ong sẽ được đưa vào máy hạ thủy phần để tách lượng nước tự nhiên. Việc đầu tư máy móc giúp chất lượng sản phẩm được bảo đảm, mật đặc hơn, thời gian bảo quản lâu hơn và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Nguyễn Đức Thả, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nuôi ong nội rừng Kinh Môn cho biết. 

Ngoài ra, HTX còn tổ chức các chuyến đi học hỏi kinh nghiệm từ những HTX nuôi ong ở địa phương khác như Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa… HTX còn được hỗ trợ toàn bộ việc in nhãn hiệu, logo sản phẩm, mã vạch... để xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.

Đến nay, HTX Nuôi ong nội rừng Kinh Môn có 50 thành viên với tổng số khoảng 1.700 thùng ong, là nơi tập hợp nhiều hộ nuôi ong nhất trên địa bàn thị xã. Các thành viên tập trung nhiều ở các xã, phường Thượng Quận, An Sinh, Hiệp Hòa, Bạch Đằng. Ngoài ra còn một số thành viên đến từ các huyện lân cận như Kim Thành, Thanh Hà. Do được đầu tư về khoa học kỹ thuật, trung bình một thùng ong cho sản lượng từ 10-15 lít/năm, cao hơn từ 5-8 lít so với trước đây. Một năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 18.000-20.000 lít mật ong. Trung bình mỗi hộ thành viên thu lãi từ 30-150 triệu đồng/năm tùy theo số lượng thùng ong. 

Ông Nguyễn Đức Thả cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu để không chỉ bán mật ong theo phương thức truyền thống mà còn bán trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, đồng thời kiểm soát sự du nhập của những giống ong lạ, ngoại lai, tránh gây hại cho giống ong nội”.         

HUYỀN TRANG