[Audio] Hải Dương xem xét thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất
Tin tức - Ngày đăng : 18:01, 08/03/2023
Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 3 (lần 2) của UBND tỉnh
Chiều 8.3, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 3 (lần 2) của UBND tỉnh để thảo luận, xem xét một số nội dung, tờ trình do các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng báo cáo.
Dự kiến chuyển mục đích sử dụng hơn 300 ha đất thực hiện 133 dự án, công trình
Cho ý kiến vào tờ trình do Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát vị trí, diện tích đất đề nghị xem xét thu hồi, chuyển mục đích sử dụng thực hiện các dự án, công trình. Trong đó, ưu tiên triển khai các công trình cấp bách, thiết yếu phục vụ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở phù hợp kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) đã được phê duyệt. UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chỉ tiêu SDĐ đã phân bổ để điều chỉnh quy hoạch SDĐ sát tình hình thực tế. Các dự án chưa có trong quy hoạch SDĐ, UBND tỉnh vẫn thống nhất đề nghị HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi, chuyển mục đích SDĐ để triển khai thực hiện. Đồng thời yêu cầu các địa phương khẩn trương bổ sung các dự án trên vào hồ sơ điều chỉnh kế hoạch SDĐ và bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý.
Theo đề nghị của các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án, công trình phát sinh năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chấp thuận thu hồi 185,22 ha đất để thực hiện 45 dự án, công trình; chuyển mục đích sử dụng 112,84 ha đất trồng lúa và 2,01 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 88 dự án, công trình.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải giải trình các nội dung liên quan đến dự án xây dựng đường dẫn cầu Hải Hưng
Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Chí Linh
UBND tỉnh nhất trí chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Chí Linh đến năm 2040. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu điều chỉnh. Giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp Sở Xây dựng tham mưu xây dựng báo cáo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh về nội dung điều chỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét.
Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Chí Linh tại vị trí quy hoạch khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí hồ Bến Tắm với quy mô khoảng 497,7 ha để phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Điều chỉnh cơ cấu SDĐ theo hướng tăng diện tích đất thể dục thể thao, giảm diện tích đất hỗn hợp và đất thương mại dịch vụ. Nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến giao thông một số tuyến đường phù hợp với điều chỉnh cơ cấu SDĐ. Các nội dung điều chỉnh không làm thay đổi tính chất, ranh giới, định hướng phát triển chung của đô thị, phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội địa phương.
60 tỷ đồng xây dựng đường dẫn cầu Hải Hưng
UBND tỉnh cơ bản thống nhất đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường dẫn cầu Hải Hưng. Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án, lưu ý khảo sát, tính toán, cân đối nguồn vốn thực hiện. Văn phòng UBND tỉnh phối hợp xây dựng dự thảo quyết định chủ trương đầu tư dự án trước ngày 10.3 để UBND tỉnh trình HĐND trong kỳ họp sắp tới.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự án xây dựng đường dẫn cầu Hải Hưng kết nối 2 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên có tổng vốn đầu tư dự kiến 60 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Công trình kết nối đồng bộ với dự án xây dựng cầu Hải Hưng qua sông Chanh do tỉnh Hưng Yên đầu tư, cụ thể nối đường trục Đông-Tây (Hải Dương) với đường tỉnh 386 (Hưng Yên). Từ đó hình thành tuyến giao thông kết nối liên vùng với trục là các quốc lộ 38, 38B, 39 và đường cao tốc Hà Nội, Hải Phòng. Tổng chiều dài đường dẫn phía Hải Dương khoảng 180 m, quy mô đường cấp III đồng bằng với tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Điểm đầu kết nối mố cầu Hải Hưng, điểm cuối kết nối nút giao giữa đường tỉnh 392C và đường trục Đông-Tây thuộc địa phận xã Đoàn Kết (Thanh Miện).
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến vào dự thảo đề án phát triển nhà ở cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030
Đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu bảo đảm 14 m2 sàn nhà ở/công nhân
Khẳng định xây dựng, phát triển nhà ở cho công nhân lao động là mục tiêu lớn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại phiên họp để hoàn thiện đề án. Bổ sung vào đề án những căn cứ, quy định cụ thể của pháp luật. Cập nhật số liệu điều tra sát thực tế để triển khai đề án hiệu quả. Đồng thời, cần làm rõ hình thức đầu tư các dự án nhà ở cho công nhân lao động theo đúng quy định hiện hành.
Theo dự thảo đề án phát triển nhà ở cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030 do Sở Xây dựng trình bày, Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 275.860 m2 sàn nhà ở, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 27.600 công nhân (dự kiến diện tích 10 m2 sàn/công nhân). Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng 491.280 m2 sàn nhà ở đáp ứng nhu cầu cho khoảng 35.000 công nhân (dự kiến diện tích 14 m2 sàn/công nhân). Để bảo đảm tính khả thi của đề án và tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, trong năm 2023 Sở Xây dựng đề xuất thí điểm tập trung xây dựng nhà ở, tiện ích công cộng cho công nhân lao động và cơ sở lưu trú dành cho chuyên gia tại lô đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) và xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) với diện tích khoảng 4,52 ha, lô đất đã có mặt bằng sạch tại dự án khu dân cư, nhà ở công nhân và dịch vụ khu công nghiệp Tân Trường, diện tích 4,46 ha.
NM