Làm gì khi sắp mất việc?
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 09:39, 10/03/2023
Lập quỹ tiết kiệm
Đừng đợi đến lúc bị sa thải mới tiết kiệm. Mỗi người nên có một quỹ dự phòng khẩn cấp ngay khi có linh cảm không ổn về công việc. Tất nhiên, khó có thể tích lũy được số tiền đủ cho toàn bộ thời gian không có việc nhưng dù là khoản tiết kiệm nhỏ cũng giúp bạn đỡ căng thẳng hơn nhiều.
Khi lên kế hoạch tiết kiệm dự phòng, Jesse Mecham, nhà sáng lập ứng dụng quản lý chi tiêu YNAB (Mỹ) khuyên bạn nên đặt câu hỏi: Tôi sẽ làm gì với khoản tiền này? Có thể trước đây bạn tiết kiệm để đi du lịch nước ngoài nhưng nhiệm vụ hiện tại của bạn là số tiền đủ chi tiêu cho ít nhất 6 tháng.
Nếu bạn đang phải trả nợ, Mecham khuyên nên giảm số tiền trả hằng tháng, nếu xuống mức tối thiểu càng tốt. Ít nhất việc này không khiến bạn chìm sâu hơn vào nợ nần.
Cập nhật hồ sơ xin việc (CV)
Cập nhật hồ sơ cá nhân là việc được khuyến cáo trong bất kỳ hoàn cảnh nào nhưng hãy chỉnh để hồ sơ của bạn phù hợp với nhiều công việc, vị trí khác nhau, Scott Dobrosky - chuyên gia việc làm của Indeed (Mỹ) khuyên. Nếu cần, hãy để trống một số đoạn để điền từ khóa quan trọng, phù hợp với công việc mà bạn sắp ứng tuyển.
Bên cạnh đó, hãy xem xét lại kỹ năng chuyên môn của mình. Mỗi công việc đòi hỏi kỹ năng khác nhau, nếu bạn dự định tìm việc trong lĩnh vực cũ cũng nên củng cố lại. Nếu có ý định sang lĩnh vực mới, việc này càng cần thiết.
Kích hoạt mạng lưới quan hệ
Kết nối với những người trong ngành, chia sẻ với bạn bè về việc mình đang (hoặc sẽ) tìm việc là một giải pháp không được phép bỏ qua.
Nâng cấp bản thân
Học thêm một kỹ năng mới, lấy thêm một chứng chỉ mới luôn hữu ích ngay cả khi bạn chưa có ý định nhảy việc. Hãy có kế hoạch dài hơi, biến mình thành một ứng viên tiềm năng trong ngành cũ hay ngành mới. Đừng ngại hay trì hoãn bởi hiện nay có vô số khóa học miễn phí trên mạng giúp bạn học hỏi thêm hay có thêm chứng chỉ.
Nếu bạn vừa mất việc, hãy chú ý những điều sau đây.
Giữ sức khỏe tinh thần
Mất việc vì lý do gì cũng là cú sốc với một người lao động nhưng hãy nhớ bạn vẫn cần một tinh thần tỉnh táo và bình tĩnh. "Càng tỉnh táo, bạn càng có cơ hội tìm ra những giải pháp tốt", Dobrosky khuyên.
Duy trì thói quen
Khi mất việc, bạn đột nhiên có rất nhiều thời gian nhưng đừng vì thế mà biến mình thành một "con lười". Hãy cố gắng duy trì lịch trình sinh hoạt như khi còn đi làm, thay vào đó là những hoạt động khác ví dụ như tập thể dục, đi dạo, đi gặp bạn bè, cà phê hay đi nộp hồ sơ.
Kiểm tra lại các phúc lợi
Hãy nhớ lại xem mình đã nhận tiền phụ cấp thôi việc chưa? Đã nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp chưa? Bảo hiểm y tế của bạn sẽ thay đổi như thế nào? Nhiều người vì thất vọng với việc bị sa thải nên quên luôn quyền lợi chính đáng này.
Tăng cường giao lưu và mạng lưới
Giờ là lúc bạn cần đến những mối quan hệ hơn hết. Hãy thông báo với bạn bè, người quen hoặc đối tác thân thiết, chia sẻ với họ về khả năng của bạn, mong muốn của bạn. Nếu may mắn, khoảng thời gian thất nghiệp của bạn sẽ ngắn hơn nhiều.
Xem xét một công việc tạm thời
Công việc tạm trong giai đoạn này giúp ích cho bạn rất nhiều. Nó có thể bù đắp cho phần nào thu nhập vừa mất, giúp bạn duy trì kết nối xã hội và chứng tỏ với ông chủ mới rằng bạn là người sẵn sàng với công việc với trách nhiệm cao.
Theo VnExpress