[Audio] Doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp chủ động tìm thị trường mới

Công nghiệp - Ngày đăng : 11:00, 11/03/2023

Trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp tỉnh đang mở rộng tìm kiếm thị trường mới, nhất là thị trường trong nước. Tuy tiềm năng lớn, nhưng thị trường này đang có nhiều vướng mắc với những doanh nghiệp này.

90% sản phẩm may mặc của Công ty Quốc tế TNHH Đông Tài Việt Nam đang được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản


Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các khu công nghiệp (KCN) đã chủ động tìm kiếm thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm bớt khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Mở rộng thị trường

Công ty TNHH Nhôm Tân Á (gọi tắt là Nhôm Tân Á) ở KCN Lai Vu có 51% vốn FDI với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất các loại nhôm định hình, nhôm cao cấp. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của doanh nghiệp này là ở các nước châu Âu, Mỹ, Canada... Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động khiến thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng năm 2022, lượng đơn hàng xuất đi nước ngoài của Nhôm Tân Á đã giảm khoảng 20%. Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 2, sản lượng nhôm xuất khẩu của doanh nghiệp này cũng giảm hơn 900 tấn so với cùng kỳ năm trước. Để khắc phục, doanh nghiệp này tập trung mở rộng thị trường trong nước, đặc biệt là phát triển các nhà cung cấp độc quyền tại các tỉnh, thành phố phía Nam. 


Nhờ linh hoạt thích ứng nên trong 2 tháng đầu năm 2023, Nhôm Tân Á đã cung cấp cho thị trường nội địa trên 1.100 tấn nhôm thành phẩm, chiếm 84% tổng sản lượng, tăng gần 250 tấn so với cùng kỳ năm trước. Bà Nguyễn Thị Hường, Trưởng Phòng Hành chính nhân sự Nhôm Tân Á cho biết: "Chúng tôi đang tích cực cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm và tiến độ giao hàng để tăng sức cạnh tranh. Ngoài những đơn hàng truyền thống trong nước, chúng tôi còn nhận đặt hàng số lượng lớn theo yêu cầu với nhiều ưu đãi về giá thành. Bên cạnh đó là áp dụng công nghệ tự động hoá trong sản xuất để hạn chế chi phí phát sinh. Năm 2023, chúng tôi phấn đấu đưa ra thị trường trên 12.000 tấn nhôm thành phẩm các loại".

Trước đây mỗi năm, Công ty Quốc tế TNHH Đông Tài Việt Nam (KCN Phú Thái) xuất khẩu khoảng 1,2 triệu sản phẩm may mặc sang thị trường Anh, chiếm 100% tổng sản lượng. Từ năm 2020, thị trường này có nhiều biến động, công ty đã chủ động chuyển hướng sang thị trường Nhật Bản nhiều tiềm năng và ổn định hơn. Đến nay, 90% sản lượng của doanh nghiệp đã được tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản. 
Đại diện Công ty Quốc tế TNHH Đông Tài Việt Nam cho biết đơn vị đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 700 lao động với mức lương từ 9-12 triệu đồng/người/tháng. Nếu không chủ động trước những diễn biến bất thường của thị trường quốc tế, không chỉ doanh nghiệp sẽ gặp bất lợi mà người lao động cũng bị ảnh hưởng. Ngoài thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch tiếp cận sâu hơn vào thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Để đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng, doanh nghiệp liên tục đổi mới công nghệ sản xuất và đa đạng mẫu mã sản phẩm. 

Nhiều rào cản


Nhiều doanh nghiệp chế xuất trong các khu công nghiệp tỉnh mong muốn tiếp cận được thị trường trong nước. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Hàng tiêu dùng Kim Dương Việt Nam đóng gói các sản phẩm nhựa cao cấp phục vụ xuất khẩu

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế xuất trong các KCN tỉnh mong muốn cung ứng sản phẩm vào thị trường nội địa nhưng gặp khó do liên quan đến thủ tục pháp lý. Đại diện một số chủ đầu tư hạ tầng KCN trong tỉnh cho biết các doanh nghiệp thuộc loại hình chế xuất được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế và tiền thuê đất. Tuy nhiên, sản phẩm của các doanh nghiệp này chỉ được xuất khẩu ra nước ngoài. Để có thể tiêu thụ tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp này phải thành lập thêm chi nhánh làm thủ tục xin cấp quyền phân phối hàng hóa và thủ tục hải quan. Đây sẽ là áp lực lớn cho ngân sách của doanh nghiệp trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, khi tiếp cận với thị trường mới, các doanh nghiệp phải tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng để cung cấp các sản phẩm phù hợp nên mất khá nhiều thời gian và công sức.

Công ty TNHH Hàng tiêu dùng Kim Dương Việt Nam (KCN Cộng Hoà) chuyên xuất khẩu các mặt hàng nhựa cao cấp sang thị trường châu Âu và châu Mỹ với tổng sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm. Hiện doanh nghiệp gặp khó khăn do thị phần đang bị cạnh tranh khốc liệt. Trong khi đó nhu cầu sử dụng các sản phẩm nhựa cao cấp trong nước tăng cao khi chuỗi dịch vụ du lịch đã phục hồi trở lại sau dịch Covid-19. "Chúng tôi dự định thành lập thêm một chi nhánh tại Hải Dương và nâng quy mô sản xuất lên 6.000 tấn sản phẩm/năm. Để hiện thực hoá kế hoạch này chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí", đại diện công ty cho biết.

Không chỉ xoay xở với thủ tục pháp lý, nhiều doanh nghiệp FDI còn đang cố gắng tìm nguồn nguyên liệu mới thay vì phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn hạn chế được những diễn biến tiêu cực của thị trường nước ngoài. Đại diện lãnh đạo Công ty Quốc tế TNHH Đông Tài Việt Nam cho biết đơn vị đang phải nhập khẩu 100% nguyên liệu từ Trung Quốc. Nhưng thời gian gần đây, thị trường này có nhiều biến động làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để không phụ thuộc quá nhiều từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, công ty đang tìm kiếm các nhà máy sản xuất và cung ứng trực tiếp nguyên liệu phục vụ cho ngành may mặc tại Việt Nam. Đây cũng là cách giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, để tìm được nhà cung ứng trong nước phù hợp cũng không dễ dàng.

ĐỖ QUYẾT