Bao bọc con quá mức, rủi ro tiềm ẩn

Gia đình - Ngày đăng : 15:20, 11/03/2023

Việc nuông chiều, bao bọc con quá mức về lâu dài sẽ gây ra những hậu quả, ảnh hưởng đến sự phát triển, kỹ năng sống của trẻ.


Dạy trẻ yêu thích làm việc nhà là cách rèn luyện, giúp trẻ có trách nhiệm với cuộc sống (ảnh minh họa)

Kinh tế khá giả, sinh ít nên nhiều gia đình có điều kiện đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của con, song nuông chiều, bao bọc con quá mức sẽ khiến trẻ mất đi tính tự lập.

Phụ thuộc

Gia đình chị P.T.H. (ở phường Việt Hòa, TP Hải Dương) có 2 con đều đã lớn nhưng vẫn được nuông chiều khi không phải động chân, động tay vào việc gì. Theo chị H., ngoài học ở trường, các cháu còn phải học thêm nhiều nên khá căng thẳng, mệt mỏi. Khi rảnh rỗi, chị để cho con đi chơi, thư giãn nên từ việc nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, rửa bát, giặt quần áo, cất, gấp quần áo của con chị đều xắn tay làm thay. Mỗi khi đi đâu, chị H. đều về đúng giờ để bảo đảm việc sinh hoạt cho các con. Nếu không về được, chị phải chuẩn bị đầy đủ đồ ăn thức uống để trong tủ lạnh và dặn dò các con cẩn thận. Con thứ hai của chị H. năm nay đã học lớp 6 nhưng nhiều khi mẹ vẫn phải tắm, lấy cơm, thức ăn giúp. 

Mặc dù con đã học THPT nhưng chị T.T.X. (ở phường Bình Hàn, TP Hải Dương) không để con tự đi xe đến trường. Theo chị X., do đường từ nhà đến trường xa, buổi sáng đông xe qua lại, lo lắng không an toàn nên trời mưa hay nắng, học thêm hay học chính khóa, chị X. đều dành thời gian đưa đón con đi học. Những ngày bận công việc, không về kịp, chị X. lại phải nhờ người giúp. “Dù có lúc tôi thấy cũng bất tiện nhưng nếu để cháu tự đi xe tôi rất lo lắng, không yên tâm”, chị X. nói.

Tình trạng cha mẹ chiều chuộng, không để con làm việc nhà diễn ra khá phổ biến, nhất là những gia đình có điều kiện thuê người giúp việc, bố mẹ rảnh rỗi có nhiều thời gian hoặc ở chung với ông bà. Nhiều gia đình còn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ, thậm chí có những yêu cầu vô lý, không tốt cho thói quen sinh hoạt cũng như sức khoẻ. Theo chia sẻ của chị L.T.H. (ở xã Cộng Lạc, Tứ Kỳ), dù bố mẹ khá kiên quyết nhưng do được ông bà chiều chuộng nên đôi khi cháu sinh ra tính “nhất thống”, muốn gì được đó, nếu không sẽ khóc lóc, vòi vĩnh. Dù khá mập mạp nhưng cháu lại thích ăn đồ ngọt, đồ ăn nhanh... Mỗi lần thấy cháu đòi hỏi như vậy, ông bà đều đáp ứng mà không biết sẽ gây ra những hậu quả về sức khoẻ đối với cháu.

Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Bao bọc, chiều chuộng con được cha mẹ thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như sẵn sàng làm giúp con mọi việc, kể cả những việc cá nhân riêng tư, đáp ứng mọi yêu cầu của con, không để con bị thiếu thốn, thậm chí dư thừa các đồ dùng, vật dụng, ăn uống... Dù đây là một cách thể hiện tình yêu thương của cha mẹ, ông bà đối với con cái nhưng về lâu dài sẽ gây ra những hậu quả, ảnh hưởng đến sự phát triển, kỹ năng sống của trẻ.

Theo thạc sĩ Nguyễn Kiều Liên, giảng viên tâm lý học Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, việc chiều chuộng, bao bọc con quá mức sẽ khiến các em thiếu những kỹ năng cơ bản, khi gặp các tình huống, sự cố trong cuộc sống không biết cách xử lý phù hợp, hay đòi hỏi theo ý thích cá nhân. Từ đó sẽ làm cho các em không còn tự tin vào chính mình, luôn lo lắng và tạo ra một thế hệ thụ động, phụ thuộc, còn nếu không đáp ứng được yêu cầu trẻ sẽ có phản ứng tiêu cực.

Để trẻ có thể tự lập, tự tin trong các mối quan hệ và năng động trong cuộc sống, theo giảng viên Nguyễn Kiều Liên, trước hết bố mẹ phải biết “thả” con ra đúng nơi, đúng lúc, đúng thời điểm. Từ khi còn nhỏ, cha mẹ dạy con biết làm việc cá nhân, việc nhà phù hợp với lứa tuổi. Để con được tự do suy nghĩ, trình bày ý tưởng trước một vấn đề và cha mẹ chỉ nên đóng vai trò định hướng, khuyến khích, trợ giúp, không nên làm thay con bất kỳ việc gì. Nên chấp nhận kết quả từ việc làm của con mang lại. Nếu thất bại, cha mẹ cần an ủi, vỗ về con đúng lúc, tạo động lực để con cố gắng vươn lên. Nếu thành công cần khuyến khích để con phát huy những ưu điểm, đạt được kết quả, thành tích cao hơn nữa. 

Còn theo chị Nguyễn Thị Bé, giáo viên dạy kỹ năng sống tại một số trường học trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, bản thân cha mẹ, ông bà phải nhận thức được hậu quả của việc bao bọc con cháu mang lại thì mới thay đổi được hành động yêu thương. Trẻ em vẫn non nớt nên những hành động đầu tiên sẽ in đậm trong tâm trí. Nếu cha mẹ, ông bà thường xuyên làm thay con sẽ hình thành nên thói quen hưởng thụ; đòi được một lần sẽ lặp lại ở những lần sau. Ông bà, cha mẹ cần hướng dẫn để các con tự lập ngay từ nhỏ, nên biết từ chối những yêu cầu vô lý; cần rèn kỹ năng sống, xử lý các tình huống trong đời thường cho trẻ càng sớm càng tốt.

Cha mẹ, ông bà đều yêu thương con cháu nhưng làm thế nào để có được những đứa trẻ ngoan ngoãn, tự tin, độc lập trong cuộc sống là cách mỗi người lựa chọn.

THANH HÀ