Bà Chuốt đam mê chèo

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 15:46, 11/03/2023

Bà Tô Thị Chuốt, 64 tuổi ở thôn Lũng Quý, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) luôn say mê các làn điệu chèo từ nhỏ và đau đáu để giữ "bảo vật" của quê hương.


Bà Chuốt (đứng giữa) dạy chèo cho các thành viên Đội văn nghệ thôn Lũng Quý

Biên kịch kiêm đạo diễn

18 giờ chiều 5.3, trời đã nhá nhem tối nhưng ở nhà văn hóa thôn Lũng Quý vẫn sáng đèn, ngân vang những làn điệu chèo ngọt ngào, thiết tha. Vào trong sân khấu, chúng tôi thấy bà Chuốt đang bắt từng động tác tay, chỉnh từng câu ca cho 5 thành viên trong đội văn nghệ tập luyện tiết mục ca cảnh chèo “Khúc ca vào hội” để chuẩn bị biểu diễn tại Đại hội Quỹ Tín dụng nhân dân của xã sắp tới.

Mê hát chèo là nét đẹp đã được gìn giữ từ nhiều thế hệ tại mảnh đất Lũng Quý giàu truyền thống văn nghệ. Đúng 70 năm về trước, tháng 3.1953, Đội văn nghệ thôn Lũng Quý được thành lập với hơn 50 thành viên tham gia tập luyện, biểu diễn khắp nơi trong và ngoài huyện. Bà Chuốt chia sẻ: “Tôi may mắn khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất và trong gia đình có truyền thống hát tuồng, chèo. Bố tôi và 3 anh chị em trong gia đình đều có thể biểu diễn một vở chèo hoàn chỉnh. Khi lên 5-6 tuổi, tôi đã được xem đội văn nghệ tập luyện tại chính nhà mình nên yêu chèo từ bao giờ không hay”.

Đến 15 tuổi, bà Chuốt chính thức “đầu quân” vào Đội văn nghệ thôn Lũng Quý. Dù không qua trường lớp nào, bà Chuốt được bố và những người đi trước trong đội truyền thụ lại những kinh nghiệm, cảm hứng với làn điệu chèo. Những vở diễn như: "Quan Âm Thị Kính", "Tấm Cám", "Ai mua hành cho tôi", "Tú Uyên Giáng Kiều"… cùng hàng chục tích chèo, trích đoạn và hàng trăm ca cảnh chèo cổ đã được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bằng lòng nhiệt tình và năng khiếu bẩm sinh, bà Chuốt đã tự tin bước lên sân khấu để say sưa với những làn điệu chèo.

Khoảng 20 năm nay, bà Chuốt đã trở thành linh hồn của đội. Bà đảm nhiệm nhiều vai trò, từ viết kịch bản, đạo diễn đến biểu diễn cho mỗi vở chèo. Dù chỉ là đội văn nghệ của thôn nhưng mỗi khi có sự kiện chính trị, văn hóa – xã hội tại địa phương hay có người “đặt hàng”, bà Chuốt cùng các thành viên lại tham gia họp bàn, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách biên kịch, đạo diễn, diễn viên, nhạc công, âm thanh, ánh sáng…

Cái hay của các tiết mục chèo ở Lũng Quý xuất phát từ những lời hát do chính bà Chuốt sáng tác về đề tài nông thôn, cuộc sống hiện thực, gần gũi với đời sống. “Xây dựng một vở chèo đề tài hiện đại đòi hỏi phải kế thừa những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chèo truyền thống, khắc họa thành công các nhân vật của đời sống mà vẫn thể hiện các làn điệu, câu hát truyền thống rất ngọt, đi vào lòng bạn nghề, lòng khán giả”, bà Chuốt bộc bạch.

Đau đáu giữ chèo

Đội văn nghệ thôn Lũng Quý hiện có 30 thành viên, thành viên trẻ nhất mới 10 tuổi, già nhất 74 tuổi. Đội văn nghệ hoạt động mang tính chất tự nguyện, mong muốn mang tiếng hát của mình phục vụ nhân dân, còn tổ chức nhiều chuyến biểu diễn miễn phí tại các di tích lịch sử, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của dân tộc. Nhiều thành viên của đội còn tham gia đoạt giải cao trong các hội thi, hội diễn cấp huyện, tỉnh.

Đối với bà Chuốt, niềm đau đáu khôn nguôi là làm thế nào để gìn giữ nghệ thuật chèo như “bảo vật” của làng. Bà Chuốt và một số người có kinh nghiệm tích cực truyền dạy cho các cháu trẻ tuổi học những làn điệu chèo truyền thống. Năm 2014, bà Chuốt đã cùng một số thành viên mượn 1 phòng học của Trường Mầm non xã Kiến Quốc để mở lớp dạy hát chèo vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần cho các cháu thiếu nhi, những người yêu thích nghệ thuật chèo.

Tuy nhiên, lớp học chỉ duy trì được hơn 1 năm vì các cháu thiếu nhi phải dành nhiều thời gian cho việc học, không thể đi tập hát chèo thường xuyên. Nhắc đến đây, ánh mắt bà Chuốt có chút đượm buồn vì nỗi niềm yêu nghệ thuật dần mai một trên chính mảnh đất giàu truyền thống. Không thể duy trì lớp học, nhiều năm qua, bà Chuốt đã tự sáng tác, dàn dựng nhiều ca cảnh chèo về lịch sử, đặc biệt về Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ để biểu diễn tuyên truyền cho các em học sinh học lịch sử qua văn nghệ trong các trường học. Bà Chuốt cho biết trong quá trình tập luyện những câu hát chèo về lịch sử, các em rất nhập tâm, hiểu rõ hoàn cảnh lịch sử nên nhớ lâu, đó là một cách giáo dục hiệu quả cũng là gìn giữ nét đẹp văn hóa nghệ thuật của quê hương.

Tuy nhiên, những người đam mê, có nhiều thời gian dành cho văn nghệ như bà Chuốt ở nơi đây không còn nhiều. Trong tiếng nhạc rộn ràng, giọng ca mượt mà đằm thắm của các "nghệ sĩ" nông dân cất lên như mang đến bao bình yên cho người dân vùng quê.

THÀNH ÐẠT