Ông Biden trước sức ép công bố nguồn gốc COVID-19
Tin tức - Ngày đăng : 21:33, 12/03/2023
Tuần này, lưỡng viện Mỹ đã thông qua một dự luật yêu cầu công bố giải mật đánh giá của tình báo Mỹ về nguồn gốc COVID-19 và đẩy nó đến bàn làm việc của Tổng thống Biden.
Quyền xem xét hay chần chừ?
"Tôi vẫn chưa có quyết định về điều đó", ông Biden trả lời hôm 10.3 khi được hỏi liệu có ký hay không.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre sau đó phải đối mặt với nhiều câu hỏi từ truyền thông về lập trường của ông Biden. Họ chất vấn vì sao ông lại chần chừ trước một dự luật đã được thông qua tại cả Hạ viện và Thượng viện mà không có bất kỳ phiếu chống nào.
"Tổng thống Mỹ có quyền xem xét các dự luật được đưa đến trước mặt ông ấy", bà Jean-Pierre uyển chuyển vấn đề.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng mọi công cụ để tìm hiểu điều gì đã xảy ra ở đây, đồng thời bảo vệ thông tin mật. Tôi nhắc lại là chúng tôi sẽ xem xét dự luật. Tôi không có thông tin mọi thứ sẽ tiến triển như thế nào để cung cấp cho quý vị", đại diện Nhà Trắng trả lời.
Theo trang Vanity Fair, phản ứng thiếu kiên quyết của Tổng thống Biden đã gây ra sự phẫn nộ tại Quốc hội Mỹ.
Một nhóm nghị sĩ Cộng hòa đã ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh dự luật là thông điệp của Quốc hội cũng như người dân Mỹ.
Họ lập luận công chúng có quyền được biết đại dịch cướp đi sinh mạng của hơn 1,1 triệu người Mỹ đã bắt đầu như thế nào.
Họ cũng có quyền biết tiền thuế của họ đã được chi cho việc nghiên cứu ra sao và liệu các phòng thí nghiệm làm nhiệm vụ này có đang được bảo vệ theo các tiêu chuẩn an toàn sinh học cao nhất hay không.
"Nếu Tổng thống phủ quyết dự luật này, ông ấy nên cân nhắc đến những thiệt hại không thể khắc phục được mà nó gây ra đối với niềm tin của công chúng vào Chính phủ", nhóm lập luận.
"Tôi tin rằng cộng đồng tình báo nên công khai càng nhiều càng tốt", Hạ nghị sĩ Dân chủ Jim Himes thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện kêu gọi.
"Tính minh bạch là một yếu tố quan trọng trong nền dân chủ của chúng ta. Các yếu tố thực tế mà cộng đồng tình báo dựa vào để phân tích có thể là liều thuốc giải độc cho những suy đoán, tin đồn và thuyết âm mưu", ông Himes nêu quan điểm.
Mở ra "chiếc hộp Pandora"
Hạ nghị sĩ Kat Cammack (Đảng Cộng hòa) thì cho rằng ông Biden chần chừ vì sợ khi ký sẽ mở ra "chiếc hộp Pandora".
Trong thần thoại Hy Lạp, hộp Pandora ẩn chứa những nguy hiểm và tai ương mà người mở không thể ngờ trước.
Ngày nay nó thường được dùng để chỉ một hành động gì đó có thể kéo theo những hệ quả nguy hại khôn lường.
Theo bà Cammack, nếu ông Biden ký, chính quyền liên bang sẽ phải có hành động đối với Trung Quốc.
Không dừng lại đó, Cính phủ sẽ phải hành động đối với tất cả các nguồn tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm...
"Nó cũng sẽ thực sự vạch trần sự thông đồng sâu xa giữa chính quyền Biden và tất cả các công ty truyền thông xã hội, vốn đã phải làm thêm giờ để che đậy tất cả những ý kiến bất đồng về vấn đề COVID-19", hạ nghị sĩ Cộng hòa nêu quan điểm với Đài Fox News.
Theo Vanity Fair, Bộ Năng lượng Mỹ và Cục Điều tra liên bang cho rằng đại dịch bắt nguồn từ một vụ rò rỉ từ phòng thí nghiệm, song cũng nói khả năng này "rất thấp".
Bốn cơ quan khác trong cộng đồng tình báo Mỹ thì cho rằng COVID-19 là kết quả của quá trình lây nhiễm tự nhiên. Vẫn còn hai cơ quan tình báo khác của Mỹ chưa đưa ra phát ngôn về vấn đề này.
Theo Tuổi trẻ