Thêm một ngân hàng Mỹ sụp đổ sau Silicon Valley Bank
Tin tức - Ngày đăng : 14:45, 13/03/2023
Một nhân viên Signature Bank đến công ty ngày 12.3. Ảnh: Reuters
Theo Sở dịch vụ Tài chính New York, Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã tiếp quản tài sản của Signature, với 110 tỷ USD tài sản và 88,6 tỷ USD tiền gửi, tính đến cuối năm ngoái. Cổ phiếu nhà băng này hôm 10.3 giảm 23% - tệ nhất kể từ khi niêm yết năm 2004, sau thông tin về Silicon Valley Bank. Mã này đã giảm 5 phiên liên tiếp và bị ngừng giao dịch.
Reuters cho biết hôm 12.3, các nhân viên của ngân hàng này dường như đã tụ tập tại trụ sở ở Manhattan để chuẩn bị họp. Nhưng sau tin tức ngân hàng bị đóng cửa, họ lần lượt rời khỏi tòa nhà.
Signature Bank là vụ sụp đổ lớn thứ ba trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, sau Washington Mutual năm 2008 và Silicon Valley Bank hôm 10.3. Vốn hóa các nhà băng Mỹ đã bốc hơi hơn 100 tỷ USD tuần trước sau thông tin về SVB, khiến giới chức cấp tốc công bố biện pháp ngăn chặn rút vốn khỏi các nhà băng và khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng.
Signature là ngân hàng thương mại, cung cấp dịch vụ cho các quỹ đầu tư tư nhân ở New York, Connecticut, California, Nevada và North Carolina. Tính đến tháng 9.2022, khoảng 25% tiền gửi của họ đến từ lĩnh vực tiền số.
Signature bắt đầu giảm hoạt động liên quan đến tài sản số sau vụ sụp đổ của sàn giao dịch FTX năm ngoái. Dù vậy, đến ngày 8/3, họ vẫn có 16,5 tỷ USD tiền gửi liên quan đến mảng này. Signature điều hành Signet - mạng lưới cho phép thanh toán nhanh giữa các khách hàng như quỹ đầu tư và sàn giao dịch, từ đó hỗ trợ thanh khoản cho các tài sản số. Coinbase - sàn giao dịch tiền số lớn nhất Mỹ - hôm 11.3 cho biết có 240 triệu USD tại ngân hàng này.
Signature Bank cũng từng có quan hệ lâu năm với gia đình cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngân hàng này cung cấp dịch vụ thanh toán và cấp vốn cho một số công ty của gia đình Trump. Tuy vậy, họ đã cắt đứt việc kinh doanh với nhà Trump năm 2021 sau sự cố bạo loạn tại Quốc hội Mỹ.
Hôm 12/3, giới chức Mỹ khẳng định toàn bộ gửi tiền tại Signature Bank và cả Silicon Valley Bank đều sẽ được bảo đảm. Kể cả các khoản không được bảo hiểm theo quy định của FDIC do lớn hơn 250.000 USD. Họ cho biết đây chỉ là các biện pháp bảo vệ người gửi tiền, bình ổn hệ thống tài chính và không có kế hoạch giải cứu ngân hàng nào.
Theo VnExpress