Lần đầu trồng được cây giọt băng có nguồn gốc Nhật Bản
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 17:58, 14/03/2023
Lần đầu tiên Trường đại học An Giang trồng thành công cây "giọt băng" có nguồn gốc từ Nhật Bản - Ảnh: VÕ VĂN THẮNG
Ông Võ Văn Thắng - hiệu trưởng Trường Đại học An Giang - cho biết sau rất nhiều lần thất bại, trường vừa trồng thành công cây giọt băng có nguồn gốc từ Nhật Bản. Cây phát triển tốt trong điều kiện nhà lưới của trường.
Theo ông Thắng, trong dự án nghiên cứu giữa trường và Đại học Saga, phía trường đại học Nhật Bản đã chuyển giao giống để Trường đại học An Giang nghiên cứu, trồng thực nghiệm.
"Từ khi chúng tôi đến Đại học Saga và hợp tác chuyển giao giống đến nay khoảng 10 năm. Tuy nhiên việc trồng trước đây liên tục thất bại do cây không lớn hoặc chết do điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng khác bản địa. Vì thế chúng tôi nghiên cứu, điều chỉnh các thành phần trồng cây sau mỗi lần thất bại. Đây là lần đầu tiên cây sống và phát triển bình thường trong nhà lưới của trường" - ông Thắng cho hay.
Chia sẻ thêm về loại cây này, ông Thắng cho biết giọt băng là giống cây bản địa của Nhật Bản. Chúng thường được dùng làm thực phẩm, mỹ phẩm. Đặc biệt cây này có khả năng hút mặn trong đất.
"Cây này rất có lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nó có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể dùng làm thực phẩm vì dễ ăn, có vị chua chua ngọt ngọt hoặc làm mỹ phẩm.
Ngoài ra, khả năng chịu mặn và hút mặn trong đất của cây rất phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là lý do chúng tôi chọn loại cây này để nghiên cứu trồng thực nghiệm" - ông Thắng nói.
Được trồng nhiều tại Nhật Bản Đại học Saga và các tỉnh của Nhật Bản có nhiều nông trang trồng cây giọt băng. Giá bán tại Nhật Bản khoảng 80 USD/kg.Việc trồng thực nghiệm thành công trong nhà lưới mới chỉ là bước đầu. Theo ông Thắng, sắp tới trường sẽ mở rộng quy mô trồng trong nhà lưới để kiểm tra tính phù hợp của cây. Việc nhân rộng, trồng bên ngoài phải chờ quá trình thực nghiệm quy mô rộng thành công cũng như phải có doanh nghiệp đầu tư hoặc hợp tác. Trồng bên ngoài nhiều rủi ro và chi phí lớn nên trường không có khả năng. Được biết, trước đó cũng có một đơn vị công lập trồng thực nghiệm loại cây này nhưng không thành công. |
Theo Tuổi trẻ