Quyền lợi của người tiêu dùng Hải Dương có được bảo đảm?
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 12:23, 15/03/2023
Bắt đầu từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 15.3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Công thương, từ năm 2016 đến nay, Sở Công thương Hải Dương luôn chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam trên địa bàn tỉnh để triển khai các nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các văn bản pháp luật có liên quan.
Thực tế gần 10 năm tổ chức Ngày Quyền của NTD Việt Nam đã cho thấy việc bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của NTD luôn là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội và nền kinh tế đất nước, các sản phẩm hàng hóa trên thị trường ngày càng đa dạng về mẫu mã, chủng loại, phong phú về giá cả. Tuy nhiên, cùng với những sản phẩm bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, vẫn có những loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NTD.
Mới đây, chiều 6.3, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương) đã tổ chức kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh N.V.K. (ở thôn Bùi Xá, xã Nhân Quyền, Bình Giang) do ông N.V.K. làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại địa điểm kinh doanh đang bày bán 452 gói bột giặt mang nhãn hiệu OMO và 720 tuýp kem đánh răng mang nhãn hiệu P/S có dấu hiệu giả mạo. Qua đấu tranh ban đầu, chủ cơ sở thừa nhận toàn bộ số hàng hóa nêu trên là hàng giả mạo được mua trôi nổi về để bán kiếm lời; không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp.
Hằng năm, số vụ việc vi phạm hàng hóa do Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương kiểm tra, xử lý lên đến hàng trăm vụ. Chỉ tính từ ngày 15.11.2022 đến ngày 15.2.2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã kiểm tra 103 vụ việc, xử lý 82 vụ vi phạm hàng hóa. Cụ thể, có 55 vụ vi phạm về niêm yết giá, 13 vụ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, 8 vụ vi phạm về điều kiện kinh doanh, 5 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, 2 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, 2 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa, 1 vụ hàng lậu. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 475 triệu đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm tịch thu gần 500 triệu đồng.
Hiện nay, một số quy định pháp luật chưa điều chỉnh kịp hoặc không có quy định điều chỉnh các hoạt động mới xuất hiện; đã xuất hiện các phương thức kinh doanh và hành vi tiêu dùng mới, chưa được định nghĩa rõ ràng dẫn tới các quy định về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD chưa kịp điều chỉnh theo hành vi này. Các chế tài xử lý vi phạm hành chính hiện nay chưa đủ tính răn đe và chưa đủ sức bảo vệ quyền lợi NTD.
Các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan cần phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tạo cơ chế thống nhất, nâng cao hiệu quả quản lý nước về bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn tỉnh. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD. Nâng cao kiến thức và kỹ năng tiêu dùng của người dân thông qua các hình thức phong phú, đa dạng, nội dung gắn liền với thực tế, ví dụ sinh động hay vụ việc cụ thể để giúp các đối tượng được tuyên truyền hiểu rõ hơn, dễ dàng hơn nội dung tuyên truyền.
Cùng với sự phối hợp, vào cuộc của cơ quan chức năng, bản thân NTD cần chủ động tìm hiểu, nắm chắc các quyền của mình, tích cực phản ánh thông tin về các hành vi xâm phạm quyền lợi NTD đến các đơn vị có thẩm quyền để các tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ có ý thức hơn trong việc bảo đảm quyền lợi của NTD. NTD cần sẵn sàng lên tiếng khi quyền lợi của mình bị xâm phạm trong quá trình mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ.
PHI KIỆT(Ninh Giang)