Nhiều nỗi lo khi mang thai sau tuổi 35
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:10, 16/03/2023
Mang thai lần 2 ở tuổi 39, chị Trần Thị Tr. (ngụ quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết so với lần sinh con đầu cách đây 5 năm, sức khỏe chị giảm sút rõ.
Phụ nữ sinh con muộn hơn
Theo chị Tr., bầu bì lần thứ hai làm gì cũng thấy rất mệt, thậm chí ăn uống xong chỉ muốn ngồi nghỉ ngơi chứ không thể bắt tay vào dọn dẹp ngay như lần mang thai đầu tiên. "Lo ngại những rủi ro khi sinh con ở tuổi gần 40 nên trước khi mang thai, vợ chồng tôi đến bác sĩ tư vấn và khi thai được 10 tuần tuổi đã chủ động sàng lọc toàn diện trước sinh", chị Trang cho biết.
Sinh con ở tuổi ngoài 35 sẽ có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và con
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị Hoàng Thanh H. (41 tuổi, ngụ quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng chồng 47 tuổi đến gặp bác sĩ để được tư vấn với mong muốn sinh thêm con. Chị H. cho biết 2 con trai đã trưởng thành và cả nhà muốn có thêm con cho "vui cửa vui nhà". "Biết là bầu bì ở tuổi này khó khăn và ít cơ hội nhưng với sự tiến bộ của y học, vợ chồng tôi hy vọng ước muốn này sớm thành hiện thực", chị H. bày tỏ.
Ghi nhận tại các cơ sở y tế cho thấy thực trạng sinh con khi đã lớn tuổi và những ảnh hưởng về sức khỏe của mẹ và bé là không hiếm gặp. Chị Vũ Thảo N. (42 tuổi, ở Nam Định) kể lại nỗi ám ảnh khi cuối thai kỳ bị tiền sản giật, nguy hiểm đến tính mạng. May mắn được cấp cứu kịp thời, song sức khỏe của chị sa sút. Con trai sinh non, nhẹ cân, đến nay gần 3 tuổi vẫn chưa biết nói. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán con suy dinh dưỡng nặng và có dấu hiệu tự kỷ.
Theo kết quả điều tra biến động dân số, xu hướng kết hôn tại Việt Nam với độ tuổi trung bình tăng rõ rệt, thậm chí có những địa phương nam giới gần 30 tuổi mới lập gia đình. Đặc biệt, sinh thêm con cũng là một xu hướng hiện nay mặc dù nhiều gia đình người mẹ đã lớn tuổi, thậm chí trên 40. Nguyên nhân một phần do kết hôn muộn kéo theo việc sinh con muộn. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá hơn nên dù đã lớn tuổi vẫn muốn sinh thêm con. Ngoài ra, nhiều cặp vợ chồng chủ quan, không sử dụng biện pháp tránh thai dẫn đến sinh con ngoài ý muốn.
Giảm nguy cơ sinh con dị tật ở tuổi tứ tuần
Do xu hướng kết hôn và sinh con muộn ngày càng phổ biến, nhiều bà mẹ 34-35 tuổi mới có con đầu lòng.
Bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo, Bệnh viện Phụ sản trung ương, cho biết mẹ càng lớn tuổi càng làm tăng nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển về thần kinh vận động. Việc mang thai con đầu lòng ở độ tuổi ngoài 35, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường cao hơn. Thai nhi cũng thường rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn so với những bà mẹ khác như nguy cơ mang thai ngoài tử cung, sẩy thai, thai chết lưu, phải sinh mổ…
Từ những nguy cơ này, bác sĩ Thành khuyến cáo cha mẹ nên sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh để phát hiện các rối loạn di truyền cũng như các bệnh lý cho cả mẹ và bé.
Ngoài ra, với y học hiện đại, bác sĩ Thành cho rằng phụ nữ có thể lựa chọn giải pháp trữ trứng tại các cơ sở y tế để sử dụng sau này. Với phụ nữ từ 35 tuổi, khi đã lập gia đình nếu không thể mang thai sau 6 tháng thì cần đi khám chuyên khoa hỗ trợ sinh sản để được tư vấn sớm nhất. Không nên tiếp tục chờ đợi thêm vì tuổi tác càng lớn, khả năng sinh sản càng giảm.
Nếu người mẹ khỏe mạnh thì em bé sinh ra sẽ khỏe mạnh. Các bác sĩ sản khoa cũng khuyến cáo phụ nữ nên đi khám sức khỏe sinh sản định kỳ. Nếu mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường hoặc cao huyết áp, cần được bác sĩ điều trị và tư vấn kỹ để kiểm soát tốt các tình trạng này khi mang thai.
Đối với nam giới, dù khả năng sinh sản sẽ kéo dài hơn so với nữ giới nhưng tinh trùng ở nam giới lớn tuổi thường có nhiều bất thường về gien hơn ở nam giới trẻ tuổi và khả năng thụ thai cho trứng cũng sẽ giảm đáng kể. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo "cánh mày râu" hãy lựa chọn có con khi còn trẻ, tốt nhất là trước tuổi 45.
Sinh con khuyết tật có thể do bố mẹ lớn tuổi Bộ Y tế cho biết một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khuyết tật bẩm sinh ở trẻ là độ tuổi của bố mẹ. Mẹ ngoài 35 tuổi, bố trên 45 tuổi có nguy cơ cao sinh con khuyết tật. Ở độ tuổi 40, khoảng 75% số noãn bị bất thường về nhiễm sắc thể, điều này làm giảm cơ hội mang thai và tăng nguy cơ sẩy thai. Các nghiên cứu cho thấy người mẹ 25 tuổi, tỉ lệ sinh con mắc bệnh down chỉ 1/1.250 ca; 1/952 ở mẹ tuổi 30; 1/378 ở mẹ tuổi 35; 1/30 ở mẹ trên 45. Tỉ lệ sẩy thai, biến chứng thai sản cũng như nguy cơ mang thai ngoài tử cung đều tăng lên sau tuổi 30, đặc biệt là sau tuổi 35. Ở tuổi 20, tỉ lệ phải sinh mổ khoảng 30% nhưng sẽ tăng lên mức 43% ở tuổi 35. Hiện Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trẻ khuyết tật trong độ tuổi 0-17, tỉ lệ 3,1%. Loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ là vận động và ngôn ngữ, trong đó do yếu tố bẩm sinh chiếm 55%-65%, còn lại do bệnh tật. |
Theo Người lao động