Dự kiến thi tốt nghiệp THPT 2025 gồm 4 môn bắt buộc
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 19:36, 17/03/2023
Ngày 17.3, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 - thời điểm khoá học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình năm 2018) tốt nghiệp. Để phù hợp với nội dung chương trình mới, kỳ thi tốt nghiệp cũng có nhiều thay đổi.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có bốn môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và lịch sử. Với hệ giáo dục thường xuyên, số môn thi bắt buộc là ba, không có ngoại ngữ. Ngoài ra, học sinh phải chọn thêm hai môn khác trong 7 môn là vật lý, hoá học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
So với hiện tại, tổng số môn thi không đổi, nhưng thay vì chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hoá học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân), thí sinh được chọn hai môn theo nhóm môn đã đăng ký học ở trường. Ngữ văn vẫn là môn duy nhất thi tự luận trên giấy, còn lại trắc nghiệm.
Ngoài ra, bộ dự kiến giai đoạn 2025-2030 thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở một số địa phương. Sau năm 2030, tất cả 63 tỉnh, thành phố đủ khả năng tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp tại Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) ngày 7.7.2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Bộ cho biết ngân hàng câu hỏi và đề thi các môn sẽ được xây dựng mới hoàn toàn theo hướng chú trọng đánh giá năng lực. Tuy nhiên, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi cho 17 môn là thách thức lớn, trong đó ba môn giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ và tin học lần đầu xuất hiện. Bên cạnh đó, đến năm 2024, sách giáo khoa lớp 12 sẽ gồm nhiều bộ khác nhau.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn do bộ chỉ đạo chung, các địa phương trực tiếp tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh.
Bộ đánh giá, phương án thi này đảm bảo phân cấp, tăng tự chủ, trách nhiệm cho các địa phương; việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp gọn nhẹ, đảm bảo đánh giá năng lực học sinh theo chuẩn đầu ra chương trình mới.
Nếu phương án thi này được thông qua thì trong khoảng 10 năm (2015-2025), kỳ thi tốt nghiệp THPT của Việt Nam có ba lần thay đổi.
Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng (còn gọi là kỳ thi hai trong một). Đây được xem là bước đột phá trong đổi mới thi cử, gộp hai kỳ thi làm một nhằm giảm lãng phí cho xã hội. Tuy nhiên, kỳ thi cũng gây nhiều tranh cãi như cho thi trắc nghiệm toán, đề thi dễ tạo ra "mưa điểm 10" vào năm 2017, sau đó bất ngờ quá khó, khiến lộ ra vụ gian lận thi cử với hàng trăm học sinh được nâng điểm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình năm 2018.
Năm 2020, khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, kỳ thi THPT quốc gia được đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, đề thi được thiết kế dễ hơn. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết các trường đại học vẫn có thể dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, hoặc áp dụng thêm các tiêu chí, phương thức khác để tuyển sinh ở các ngành cạnh tranh cao.
Theo VnExpress