Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra thông tin Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn, đổ nát
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 11:13, 18/03/2023
Ngày 17.3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) đang bị hoang tàn, đổ nát; tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23.3.
Báo điện tử Chính phủ đưa tin về chỉ đạo này của Thủ tướng đã dẫn: Trước đó, báo Tuổi Trẻ ra ngày 16.3.2023 có bài viết: "70 năm điện ảnh và những tâm sự ngổn ngang" có nêu ý kiến của các nghệ sĩ gạo cội: "Khẩn thiết mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam".
Trong bài báo, báo Tuổi Trẻ đã thuật lại mong ước của NSND Trà Giang trực tiếp gửi tới Thủ tướng Chính phủ, bà mong Thủ tướng đến thăm trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam để hiểu những tâm tư rối bời của các nghệ sĩ trước hiện trạng hoang tàn, đổ nát không thể tưởng tượng nổi của hãng phim được coi là con chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Trước những tâm tư này của nghệ sĩ được báo chí phản ánh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã lên tiếng trên tờ báo của bộ về quá trình thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng như những chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) suốt mấy năm qua.
Đó là chỉ đạo yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thu hồi cổ phần đã bán tại VFS, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược (VIVASO), cũng như trả lại đất cho VFS.
Nhưng đến nay, sau ba năm, việc thực hiện kết luận thanh tra này vẫn chưa hoàn tất, nếu không muốn nói là hầu như chưa có kết quả gì.
Một góc khuôn viên của hãng phim được trưng dụng thành bãi đỗ xe của các hàng quán và các hộ dân sống xung quanh
Bộ "đã tích cực giải quyết"
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định ngay sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, bộ đã tích cực triển khai những nội dung đã được nêu trong kết luận cũng như từng chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo Chính phủ.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các nội dung này còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.
Bộ này đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính về phương án hoàn trả tiền và nhận lại cổ phần của nhà đầu tư chiến lược; thực hiện đàm phán với nhà đầu tư về hình thức thực hiện cũng như xác định cụ thể số tiền phải hoàn trả cho nhà đầu tư chiến lược.
Từ thời điểm cuối tháng 11-2019, bộ này đã liên tiếp ban hành các công văn gửi VIVASO đề nghị xác định số tiền nhận lại để hoàn trả cổ phần đã mua tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam.
Nhiều cuộc họp liên quan đến những nội dung này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với sự tham gia của các bộ, ngành và trực tiếp với VIVASO.
Hãng phim truyện Việt Nam - Khó ở đâu? Mặc dù đã tích cực triển khai, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện cổ phần hóa ở hãng phim theo kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết trong quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Cảnh hoang phế của Hãng phim truyện Việt Nam Cụ thể là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Bởi ngành nghề đầu tư của VFS không thuộc đối tượng theo danh mục ngành nghề nhà nước phải đầu tư để mua vốn tại các công ty cổ phần. Đồng thời, từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần cũng như quá trình hoạt động trước khi cổ phần hóa của công ty không hiệu quả nên căn cứ theo quy định của Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước, hoạt động nhận lại cổ phần tại VFS không thuộc đối tượng nhà nước đầu tư. Khó khăn này gần đây đã được tháo gỡ khi việc thực hiện nhận lại cổ phần tại Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ Tài chính đã chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đề xuất lấy nguồn từ Quỹ hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp để hoàn trả cổ phần cho nhà đầu tư. Nhưng còn những tồn tại, vướng mắc về vấn đề đất đai của Hãng phim truyện Việt Nam đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, và nhiều khó khăn khác. Như khó khăn về xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần; hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam chưa đạt theo kế hoạch sản xuất kinh doanh được thông qua tại đại hội đồng cổ đông lần đầu... |
Theo Tuổi trẻ