5 lợi ích khi ăn chậm, nhai kỹ thức ăn

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 12:58, 19/03/2023

Ăn chậm, nhai kỹ thức ăn giúp bạn hấp thụ chất dinh dưỡng và tiêu hóa tốt hơn, tránh đầy bụng, khó tiêu.


Nhai kỹ khi ăn giúp bạn tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Ảnh: Freepik

Bác sĩ, tiến sĩ Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, nhai thức ăn từ từ giúp dạ dày có đủ thời gian để báo hiệu cho não biết cảm giác no. Muốn nhai kỹ thức ăn cần tập trung, không đọc báo, không xem điện thoại và trao đổi công việc... Đây cũng cách để bạn hạn chế ăn quá nhiều và tăng cảm giác hài lòng trong bữa ăn.

Theo nhiều nghiên cứu, thức ăn nên được nhai khoảng 32 lần. Những thức ăn khó nhai như bít tết, các loại hạt có thể cần nhai tới 40 lần. Những thức ăn mềm hơn như khoai tây và dưa hấu, bạn chỉ cần khoảng 5-10 lần. Bằng cách nhai nhiều lần, bạn sẽ ăn chậm hơn. Dưới đây là những lợi ích khi ăn chậm, nhai kỹ đối với hệ tiêu hóa.

Tiêu hóa tốt hơn

Nhai là bước đầu tiên trong quá trình tiêu hóa. Nhai đúng cách cho phép dạ dày hoạt động hiệu quả và phân hủy thức ăn nhanh hơn. Nhai giúp dạ dày xử lý thức ăn bằng cách phá vỡ các hạt thức ăn lớn hơn thành các mảnh nhỏ hơn. Hoạt động này cũng làm tăng tiết nước bọt, trong nước bọt có men amylase có tác dụng phân hủy một phần tinh bột trong miệng. Do đó, khi nhai kỹ, bạn thường thấy thức ăn trong miệng ngọt hơn.

Nhai kỹ khi ăn giúp quá trình chuẩn bị tiêu hóa của giai đoạn dạ dày và ruột tốt hơn. Khi thức ăn được tiêu hóa đủ trong dạ dày sẽ di chuyển vào ruột non, nơi nó trộn với enzym để tiếp tục phân hủy. Các chất dinh dưỡng từ thức ăn được hấp thụ ở ruột non. Chất thải được chuyển đến ruột già, nếu còn sót lại được bài tiết qua trực tràng và hậu môn.

Hấp thụ chất dinh dưỡng

Nhai thức ăn nhuyễn hơn giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ một lượng lớn chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất từ thực phẩm. Hơn nữa, khi bạn nhai thức ăn, nhiều enzym tiêu hóa được sản xuất để phân hủy thức ăn, hỗ trợ tiêu hóa. Quá trình nhai cũng kích hoạt sản xuất axit hydrochloric trong dạ dày, giúp tiêu hóa tốt hơn bằng cách điều chỉnh độ pH, tăng mức độ axit hỗ trợ phân hủy thức ăn.

Kiểm soát khẩu phần

Bạn càng nhai thức ăn nhiều thì càng mất nhiều thời gian để ăn hết. Não của bạn mất khoảng 20 phút để báo hiệu cho dạ dày rằng cơ thể đã nạp đủ lượng thức ăn cần thiết. Nhai thức ăn nhiều lần với tốc độ chậm hơn có thể giảm lượng thức ăn dùng trong mỗi bữa.

Cân nặng khỏe mạnh

Những người ăn chậm có xu hướng ăn ít hơn. Nếu nhai thức ăn quá nhanh, có thể bạn đã ăn xong nhưng não vẫn nghĩ rằng bạn đang đói. Điều này khiến bạn ăn nhiều hơn, tiêu thụ nhiều calo hơn dẫn đến tăng cân.

Giảm nguy cơ phát triển vi khuẩn

Quá trình nhai làm giảm nguy cơ phát triển quá mức của vi khuẩn. Thức ăn không được phân hủy đúng cách có thể khiến vi khuẩn phát triển mạnh trong ruột già, dẫn đến chứng khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi và táo bón. Khi bạn nhai thức ăn, cơ thể gửi thông điệp đến hệ tiêu hóa, kích hoạt sản xuất axit hydrochloric trong dạ dày, nhờ đó, thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa. Dạ dày cũng được thư giãn và tiết ra nước bọt cho phép thức ăn đi vào ruột hiệu quả.

Bác sĩ Khanh chia sẻ, khi không nhai kỹ thức ăn, phần còn lại của hệ thống tiêu hóa dễ bị rối loạn. Cơ thể không sản xuất đủ enzym cần thiết để phân hủy hoàn toàn thức ăn, dẫn đến đầy bụng, tiêu chảy, ợ nóng, trào ngược axit, buồn nôn...

Theo VnExpress