Biên đạo múa - nghề kén người

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 14:00, 19/03/2023

Nhu cầu biên đạo các tiết mục văn nghệ của các đơn vị, cá nhân ngày càng tăng nên nhiều người đã theo đuổi nghề biên đạo múa, song đây là nghề rất kén người.


Chị Hồ Tùng Lâm (hàng đầu, thứ nhất từ trái qua) hướng dẫn nhảy dân vũ cho nhóm học sinh Trường THCS và THPT Marie Curie 

Nhiều "đất sống"

Để chuẩn bị tiết mục văn nghệ tham gia hội thi văn nghệ của trường nhân ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26.3 năm nay, cô trò lớp 10G, Trường THCS và THPT Marie Curie (TP Hải Dương) đã thống nhất thuê biên đạo múa hướng dẫn lớp dàn dựng một tiết mục văn nghệ. Chị Nguyễn Thị Châu Anh, thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 10G cho biết do học sinh đều là “diễn viên” không chuyên, không có kinh nghiệm diễn xuất nên tập thể lớp đã nhờ biên đạo múa hỗ trợ lớp dàn dựng một tiết mục nhảy dân vũ để tự tin tham gia hội thi.

Không riêng lớp 10G mà nhiều lớp tại trường này và nhiều nhóm lớp ở các trường THPT, THCS khác ở TP Hải Dương cũng thuê biên đạo múa để tham gia các chương trình do trường tổ chức dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26.3 tới đây. Việc thuê biên đạo múa không còn mới ở Hải Dương. Nhiều đơn vị, địa phương vào mỗi dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống... thường tổ chức các hoạt động giao lưu, hội diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao. Với mong muốn có những tiết mục đặc sắc, giành thứ hạng cao, nhiều đơn vị, cá nhân sẵn sàng đầu tư kinh phí để thuê biên đạo.

Anh Trần Đình Chương có 20 năm làm nghề biên đạo múa đang là cộng tác viên cho Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Hải Dương cho biết khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu thuê người hướng dẫn, dàn dựng các tiết mục văn nghệ ngày càng nhiều. Vì vậy, nghề biên đạo múa phát triển khá mạnh. Không chỉ những người có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản tham gia dàn dựng, hướng dẫn biên đạo cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu mà không ít người có năng khiếu, đam mê nghệ thuật cũng tham gia. Là người có nhiều năm kinh nghiệm dàn dựng, biên đạo các tiết mục múa dân gian, đương đại, nhảy hiện đại, khiêu vũ thể thao… nên khách hàng của anh Chương cũng đa dạng, từ học sinh đến các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, các câu lạc bộ phụ nữ, cao tuổi… Trung bình mỗi năm, anh Chương tham gia hướng dẫn biên đạo, dàn dựng từ 100-150 tiết mục múa, nhảy, kịch.

“Công việc biên đạo múa diễn ra quanh năm nhưng cao điểm nhất là vào các dịp như ngày kỷ niệm... Thời điểm này, nhiều đơn vị tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ nên có nhu cầu thuê biên đạo múa nên tôi làm không hết việc. Không ít đơn vị đặt lịch thuê muộn, tôi phải từ chối vì không còn thời gian”, anh Chương nói.

Hơn 10 năm làm nghề biên đạo múa, khách hàng của chị Hồ Tùng Lâm ở đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) cũng rất phong phú. Hiện nay, ngoài dàn dựng, biên đạo cho khách hàng ở Hải Dương, chị còn dàn dựng cho khách ở một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh... Trung bình mỗi năm, chị biên đạo khoảng 100 tiết mục, trong đó múa đương đại và dân vũ chiếm khoảng 80%. Với mỗi tiết mục múa, nhảy, chị mất từ 3-5 buổi để hoàn thành, nhưng có những tiết mục công phu, đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao, động tác khó, thời gian đầu tư lên tới cả chục buổi. Mỗi động tác, từng tiết mục, người biên đạo vừa làm mẫu, vừa phải hô hiệu lệnh để mọi người tập theo, rồi liên tục để mắt, chạy tới, chạy lui uốn nắn từng cử chỉ, tư thế cho thật chuẩn. 


 Anh Trần Đình Chương hướng dẫn một tiết mục múa đương đại cho học sinh tiểu học ở TP Hải Dương (ảnh nhân vật cung cấp)

Không dễ làm

Nhiều "đất sống" nhưng nghề biên đạo múa cũng rất kén người. Chị Nguyễn Thị Hường ở phố Nguyễn Thị Duệ (TP Hải Dương) làm nghề biên đạo múa hơn 5 năm nay chia sẻ: “Nghề này không phải ai cũng làm được. Khách hàng thuê biên đạo đều là những người diễn không chuyên, không có tố chất biểu diễn nên đòi hỏi người biên đạo không chỉ có kỹ năng, kinh nghiệm mà phải có khả năng sư phạm, truyền đạt tốt, đặc biệt luôn cập nhật những kiến thức mới. Vì vậy, ngoài tự học hỏi, trau dồi kiến thức, bản thân tôi phải tham gia một số lớp đào tạo mới có thể sống được với nghề”.

Để dàn dựng được những tác phẩm vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng, vừa mang tính nghệ thuật cao, đồng thời phải có “chất” riêng của người biên đạo, nhiều biên đạo múa phải dành thời gian tìm tòi, kịp thời nắm bắt các trào lưu, xu hướng nghệ thuật để biến hóa trong quá trình xây dựng các tác phẩm. Anh Chương cho biết thêm khách hàng thuê biên đạo múa thường có hai hướng. Một là đưa ra tác phẩm có sẵn trên mạng và đề nghị biên đạo hướng dẫn dàn dựng lại. Hai là đề nghị biên đạo dàn dựng mới hoàn toàn cho tác phẩm. Tuy nhiên, với những tác phẩm được yêu cầu hướng dẫn dàn dựng lại thì người biên đạo hầu hết đều sáng tạo một số động tác mới để tạo ra nét riêng. Đối với những tác phẩm dàn dựng mới hoàn toàn thì người biên đạo vừa là tác giả kịch bản vừa là đạo diễn nên đòi hỏi phải am hiểu văn hóa nghệ thuật để xây dựng chủ đề cho đúng với ý tưởng của khách hàng. Sau đó viết lời, động tác rồi mới bắt tay vào dàn dựng. Việc dàn dựng cũng tùy thuộc khả năng của người diễn. Đôi khi kịch bản là những động tác khó, đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng quá trình dàn dựng người diễn không đáp ứng được phải tùy tình hình để biến tấu, thay đổi cho phù hợp.

Kén người như vậy nên biên đạo múa đang được đánh giá là nghề mang lại thu nhập khá. Trung bình dàn dựng một tác phẩm múa, nhảy từ 3-5 buổi (mỗi buổi khoảng 2 tiếng) có giá từ 4-6 triệu đồng. Đối với những tác phẩm dàn dựng mới hoàn toàn, thời gian từ 8-10 buổi có khi lên đến cả chục triệu đồng.

TRƯƠNG HÀ