Bóng đá Trung Quốc chìm trong bê bối tham nhũng
Quốc tế - Ngày đăng : 16:07, 20/03/2023
Sergio Aguero là một trong những tiền đạo thành công nhất thế hệ, nhưng anh thậm chí đạt được một vinh dự hiếm hoi vào năm 2015, khi trở thành cầu thủ bóng đá đầu tiên của Ngoại hạng Anh chụp ảnh selfie với ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo yêu bóng đá của Trung Quốc.
Tấm ảnh được chụp tại sân Etihad của Man City, cùng Thủ tướng Anh khi đó David Cameron, diễn ra trong giai đoạn ông Tập đang xây dựng mối quan hệ thân thiết với Anh và đẩy mạnh kế hoạch đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường bóng đá thế giới vào năm 2050. Đến nay, cả hai hoài bão đều có vẻ xa vời.
Năm 2016, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) công bố kế hoạch xây dựng 70.000 sân bóng đá và hướng tới 50 triệu người chơi môn thể thao này vào năm 2020. Ông Tập còn muốn Trung Quốc đăng cai World Cup. Nhưng đến 2021, chỉ có gần 27.000 sân được xây dựng và chính phủ Trung Quốc dường như không còn mặn mà với bóng đá. Bây giờ, vụ bê bối tham nhũng có thể làm giảm sức hấp dẫn của bóng đá tại Trung Quốc hơn nữa, ngay khi các sân vận động mở cửa trở lại sau đợt phong tỏa do đại dịch.
Vụ việc bắt đầu từ tháng 11/2022, khi một trong những nhân vật nổi tiếng nhất bóng đá Trung Quốc Li Tie biến mất. Li, một cựu cầu thủ Everton, từng huấn luyện đội tuyển quốc gia nam của đất nước tỷ dân. Các nhà chức trách Trung Quốc nói ông đang bị điều tra vì nghi ngờ "phạm luật một cách nghiêm trọng".
Một số lãnh đạo ngành thể thao khác cũng bị điều tra, mà đỉnh điểm là vụ bắt giam Chủ tịch CFA Chen Xuyuan ngày 14.2. Đây là chiến dịch truy quét rộng nhất vào bóng đá kể từ khi ông Tập nắm quyền vào năm 2012, và cũng là "đòn giáng mạnh vào những người liên quan đến môn này", theo lời của Rowan Simons, Chủ tịch ChinaClubFootball - một hệ thống bóng đá phong trào. "Điều này thể hiện cải cách trong 10 năm qua hoàn toàn vô nghĩa".
Chen từng nhận tín nhiệm cao khi được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch CFA năm 2019. Trước đây, ông là Chủ tịch của Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải, đơn vị đã mua một trong những CLB của thành phố và đổi tên thành Cảng Thượng Hải FC năm 2015, đặt nền móng cho chức vô địch Super League vào năm 2018.
"Trong quá khứ, Chủ tịch CFA luôn được chính phủ bổ nhiệm", giảng viên cao cấp về chính sách và quản lý thể thao tại Đại học Metropolitan Manchester Qi Peng nói. Điều đó đôi khi dẫn đến việc bóng đá Trung Quốc được quản lý bởi các quan chức bàn giấy ít quan tâm đến khía cạnh văn hóa hay kinh doanh của môn này. "Vì thế, khi một người từng hoạt động bóng đá như Chen được giới thiệu làm chủ tịch, đó được coi là dấu hiệu rất tích cực", Peng nói.
Tuy nhiên, xuất thân doanh nhân của Chen không ngăn ông tác động, làm giảm tính thương mại của bóng đá Trung Quốc. Chính sách này khiến nhiều CLB rơi vào tình trạng nguy hiểm về tài chính.
Từ năm 2011 đến 2020, các CLB Trung Quốc chi khoảng 1,7 tỷ USD cho các thương vụ chuyển nhượng quốc tế, theo số liệu của FIFA. Đỉnh điểm là năm 2016 khi Super League Trung Quốc chi 450 triệu USD cho các thương vụ quốc tế. Nhà chức trách chất vấn các CLB tại sao bỏ chừng ấy tiền cho những cầu thủ nước ngoài, những người "sẽ chỉ đưa tiền chảy khỏi Trung Quốc", theo Mark Dreyer, một nhà phân tích thể thao làm việc tại Bắc Kinh, và họ bắt đầu ngăn chặn những thương vụ đó.
Năm 2017, thuế chuyển nhượng 100% được áp dụng đối với các cầu thủ ngoại có giá trị trên 45 triệu CNY (6,1 triệu USD) và các cầu thủ nội được chuyển nhượng với giá trên 20 triệu CNY. "Theo kế hoạch, số tiền đó được dành để phát triển bóng đá phong trào", Simons tiết lộ. "Nhưng nó đã biến mất. Một số người nghi ngờ tiền đã chui vào túi của các quan chức tham nhũng".
Một nửa các CLB hàng đầu Trung Quốc được sở hữu hoàn toàn hoặc một phần bởi các công ty bất động sản. Nhưng năm ngoái, ngành bất động sản bị đóng băng bởi đại dịch và cuộc truy quét của chính phủ. Một số CLB lớn phá sản, cho thấy mô hình kinh doanh của họ rất mong manh.
Hiện nay, CFA quay sang phát triển bóng đá nữ. Các CLB lớn được yêu cầu thành lập đội nữ nếu muốn tham gia Super League. Có người hy vọng bóng đá nữ sẽ là trang giấy trắng. Và đội tuyển nữ Trung Quốc đã có thành tích tốt hơn ở cấp độ quốc tế so với đội nam khi giành vé dự World Cup 2023, điều đội nam chưa từng làm được kể từ năm 2002. Theo Simons, CFA dường như đang "từ bỏ bóng đá nam, vốn chỉ mang lại những phiền muộn".
Một số nhà phân tích tin rằng việc bắt giữ Chen và Li cho thấy các nhân vật chủ chốt của bóng đá Trung Quốc không còn được hậu thuẫn mạnh mẽ về chính trị như trước đây.
Cuộc truy quét trong bóng đá đến ở thời điểm bóng rổ - một môn trọng điểm khác của Trung Quốc - đang đối mặt khủng hoảng với nguy cơ lộ hộ thêm nhiều bí mật về tham nhũng trong thể thao Trung Quốc.
Tháng trước, đội bóng rổ Xinjiang Flying Tigers rút khỏi Liên đoàn Bóng rổ Trung Quốc (CBA), và đăng một tuyên bố trên mạng xã hội với những cáo buộc nảy lửa về liên đoàn. Họ chỉ trích CBA quản lý sai cách, xem đó là "nguồn gốc cho mọi hỗn loạn của bóng rổ Trung Quốc". CLB này trực tiếp tấn công Yao Ming, một trong những ngôi sao thể thao lớn nhất Trung Quốc, người từng chơi cho Houston Rockets ở Mỹ cũng như đội tuyển bóng rổ Trung Quốc. Yao là Chủ tịch của CBA và là đại biểu Quốc hội Trung Quốc. Tigers bắt ông chịu trách nhiệm cho việc ranh giới giữa các bộ phận thương mại và điều hành của CBA ngày càng không rõ ràng.
Tigers đã xin lỗi và được trở lại liên đoàn, nhưng một số người đặt câu hỏi liệu các cáo buộc có thể bị chôn vùi? Simon Chadwick, giáo sư kinh tế địa chính trị thể thao tại Trường Skema Business, nhận định: "Chính phủ Trung Quốc đã xử lý mọi cá nhân có liên quan... Nên sẽ đến thời điểm bóng rổ bị sờ đến".
Theo VnExpress