Sốt xuất huyết tăng bất thường
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 21:50, 20/03/2023
Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm ghép tại Bệnh viện Bạch Mai hồi đầu tháng 11.2022. Ảnh: Ngọc Thành
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca sốt xuất huyết đang tăng tại một số tỉnh khu vực miền Nam và miền Trung. Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ghi nhận 172 ca sốt xuất huyết ở 23/30 quận huyện, tăng gần 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chưa có trường hợp tử vong.
Bộ Y tế nhận định năm nay thời tiết bất thường khiến ca sốt xuất huyết tăng dù chưa vào mùa mưa. Dự báo sốt xuất huyết tiếp tục tăng trong thời gian tới do mùa mưa đến sớm, lượng mưa tăng cao và nguy cơ các type virus xâm nhập.
Ngày 20.3, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, diệt muỗi, xử lý kịp thời ổ dịch sốt xuất huyết. Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế, tránh tình trạng bệnh nhân không được điều trị và chuyển tuyến kịp thời.
Năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 361.000 ca sốt xuất huyết, 133 ca tử vong. Riêng Hà Nội có hơn 19.000 ca sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm, tập trung nhiều nhất vào mùa mưa do thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển và truyền bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không chủ quan với sốt xuất huyết. Khi có triệu chứng sốt cao, thuốc hạ sốt không có tác dụng, hoặc ho, đau mỏi cơ thể, nên đến cơ sở y tế khám ngay.
Sốt xuất huyết diễn biến khoảng hơn một tuần. Ban đầu, bệnh nhân sốt cao liên tục trong vòng 6 ngày, kèm đau mỏi người và cơ. Từ ngày 3 đến 7, tiểu cầu giảm dần, máu cô đặc, người bệnh có thể bị chảy máu niêm mạc, nội tạng, rối loạn đông máu, sốc sốt xuất huyết.
Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị, chủ yếu là trị triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo nặng. Bệnh nhân nhập viện khi xuất huyết niêm mạc như răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít; tràn dịch màng phổi, bụng.
Theo VnExpress