Kiến nghị lùi thời gian thông qua Luật Đất đai sửa đổi
Tin tức - Ngày đăng : 21:08, 21/03/2023
Nội dung trên được MTTQ Việt Nam nêu trong báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ngày 20.3.
Theo MTTQ, có ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần thêm thời gian. Quá trình tổ chức lấy ý kiến vừa qua còn gấp gáp, "không tránh khỏi tình trạng hình thức" ở nhiều địa phương, đơn vị. Khi có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, luật sửa đổi "sẽ thực sự chất lượng, hiệu quả".
Hội đồng Tư vấn Dân chủ Pháp luật (MTTQ Việt Nam) thống kê, dự luật có hơn 50 điều ủy quyền cho Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết, trong đó có nội dung hạn chế quyền công dân bắt buộc phải quy định bằng luật. Đó là khoản 5 điều 66, quy định về "tiêu chí và quyết định khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh".
Hội đồng đề nghị ban soạn thảo khắc phục tình trạng ủy quyền lập pháp quá nhiều trong một đạo luật. Việc ủy quyền chỉ giao quy định chi tiết một điểm hoặc một khoản trong một điều luật và phải xác định rõ phạm vi, nội dung ủy quyền.
Theo báo cáo của Mặt trận, nội dung Chương VI của dự thảo về thu hồi đất, trưng dụng đất được người dân đặc biệt quan tâm với gần 660.000 lượt góp ý. Trong đó, có ý kiến đề nghị tách mục đích thu hồi đất phục vụ vì lợi ích quốc gia và công cộng khỏi mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại cần để nhà đầu tư thương lượng giá với người dân.
Chương VII về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất nhận gần 900.000 lượt góp ý. Trong đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung "việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất"; đề nghị quy định giá đất bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi thay vì tại thời điểm phê duyệt.
MTTQ Việt Nam cho biết, từ ngày 3.1 đến hết 15.3, Mặt trận đã nhận được 8,36 triệu lượt đóng góp ý kiến của nhân dân cho dự thảo. Có ý kiến rất tâm huyết, dài hàng chục trang về tất cả các nội dung. Một số tổ chức, cá nhân gửi góp ý nhiều lần suốt thời gian lấy ý kiến.
Theo kế hoạch, dự luật sẽ được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội lần 2 tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc tháng 5) và xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
Theo VnExpress