Nhà thờ Đức Bà Paris bị kiện vì chỉ dịch biển chỉ dẫn sang tiếng Anh
Tin tức - Ngày đăng : 18:08, 22/03/2023
Chiếc xe buýt chở du khách đi qua Nhà thờ Đức Bà Paris, tháng 8-2022 - Ảnh: AFP
Không chỉ tiếng Anh
Nhiều bảng thông tin về quá trình xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris sau trận hỏa hoạn kinh hoàng vào năm 2019 đang được viết bằng tiếng Pháp và tiếng Anh.
Hiệp hội Bảo tồn Ngôn ngữ Pháp đã đệ đơn kiện Nhà thờ Đức Bà Paris lên tòa án vào ngày 20.3, yêu cầu thay đổi. Họ cho rằng việc chỉ dịch các bảng chỉ dẫn sang tiếng Anh sẽ làm tăng sự thống trị quốc tế của tiếng Anh.
Theo Hãng tin AFP, lập luận và động thái của Hiệp hội Bảo tồn Ngôn ngữ Pháp là có cơ sở pháp luật. Từ năm 1994, Pháp có luật quy định tất cả các tòa nhà công cộng phải dịch biển chỉ dẫn và bảng thông tin từ tiếng Pháp sang ít nhất 2 ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, quy định này thường bị phớt lờ.
Theo Hãng tin AFP, trước đây hiệp hội này đã thành công trong việc buộc Tháp Eiffel thêm tiếng Tây Ban Nha vào bảng thông tin bên cạnh tiếng Pháp và tiếng Anh, sau khi bị hiệp hội dọa có hành động pháp lý tương tự.
"Nếu có đề một ngôn ngữ nước ngoài, thì đó luôn là tiếng Anh - Mỹ", ông Louis Maisonneuve, người phát ngôn của Hiệp hội Bảo tồn Ngôn ngữ Pháp cho hay.
Ông Maisonneuve nhấn mạnh tiếng Anh - Mỹ để phân biệt với tiếng Anh - Anh. Ông cho rằng tiếng Anh - Mỹ luôn là lựa chọn của chính quyền Pháp, điển hình như để chỉ "trung tâm thành phố" chính quyền sẽ sử dụng từ downtown (tiếng Anh - Mỹ) thay cho từ city centre (tiếng Anh - Anh).
Chủ nghĩa thuần túy ngôn ngữ
Hiệp hội Bảo tồn Ngôn ngữ Pháp gồm những người theo chủ nghĩa thuần túy ngôn ngữ (Linguistic purism), cụ thể là tiếng Pháp.
Chủ nghĩa thuần túy ngôn ngữ là một thuật ngữ trong ngôn ngữ học để chỉ một thái độ bảo thủ liên quan đến việc sử dụng và phát triển của một ngôn ngữ.
Một người theo chủ nghĩa thuần túy là người bày tỏ mong muốn loại bỏ một số đặc điểm không mong muốn khỏi một ngôn ngữ, bao gồm lỗi ngữ pháp, biệt ngữ, thuật ngữ và các từ có nguồn gốc nước ngoài.
Theo báo IndiaToday, có thể hiểu đây là một kiểu chủ nghĩa dân tộc ngôn ngữ.
Tuy nhiên, chủ nghĩa thuần túy ngôn ngữ cũng có thể gây tranh cãi, vì nó có thể dẫn đến việc loại trừ các từ vay mượn đã trở nên phổ biến trong một ngôn ngữ và có thể hạn chế khả năng ngôn ngữ phát triển và thích nghi với hoàn cảnh.
Hơn nữa, đôi khi chủ nghĩa thuần túy ngôn ngữ có thể được sử dụng để thúc đẩy các ý tưởng dân tộc chủ nghĩa hoặc bài ngoại, vốn có thể ảnh hưởng đến sự đa dạng văn hóa và hòa nhập xã hội.
Theo Tuổi trẻ