Dầu thô Nga vẫn chảy tới châu Âu bất chấp các lệnh trừng phạt
Tin tức - Ngày đăng : 09:37, 23/03/2023
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố việc châu Âu phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga chỉ còn là “lịch sử”. Tuy nhiên, một số quan chức khác – từ giới chức cấp cao của Ukraine, đến các thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) và những chuyên gia trong lĩnh vực này – đều cho rằng chương lịch sử này vẫn đang được viết tiếp.
Theo những quan chức này, một lượng đáng kể hydro carbon của Nga, đặc biệt là dầu mỏ, vẫn đang lách khỏi các lệnh trừng phạt và chảy vào thị trường châu Âu. Trong đó, ông Oleg Usenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng nguồn cung năng lượng của Nga vẫn chảy qua những lỗ hổng có sẵn để vào châu Âu.
“Chúng ta phải khắc phục những lỗ hổng này để ngăn cản Nga có doanh thu từ dầu mỏ, sử dụng để tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine”, ông Usenko nhấn mạnh.
Dầu thô vốn được biết đến là mặt hàng rất khó theo dõi trên thị trường toàn cầu. Các thùng dầu thô có thể dễ dàng pha trộn với các lô hàng khác ở những quốc gia quá cảnh, tạo ra lô dầu lớn hơn không thể xác định nguồn gốc. Hơn nữa, quá trình tinh chế dầu thô cũng loại bỏ mọi vết tích về nguồn gốc của nhiên liệu này.
Hơn nữa, mạng lưới phức tạp các công ty vận chuyển cũng đã tạo thêm vỏ bọc bí ẩn cho các lô dầu thô. Phương Tây đã cáo buộc một số công ty giúp Nga che giấu nguồn gốc xuất khẩu dầu thô bằng nhiều cách khác nhau.
Ông Mikhail Khodorkovsky, cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí khổng lồ Yukos của Nga, cho biết: “Không giống như đường ống khí đốt, thị trường dầu mỏ mang tính toàn cầu. Các hệ thống hoán đổi và đan xen, trộn lẫn với nhau là hoạt động phổ biến. Hệ quả của lệnh cấm vận đã khiến chi phí vận chuyển dầu Nga tăng lên đáng kể, thu nhập được phân phối lại có lợi cho các bên trung gian và chiết khấu tăng lên do thị trường người mua thu hẹp”.
EU đã cấm phần lớn nhiên liệu hóa thạch của Nga kể từ khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2.2022, ngoại trừ số lượng hạn chế dầu thô và khí đốt vẫn chuyển qua một số đường ống, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm dầu mỏ.
Nhưng khối lượng lớn dầu thô của Nga vẫn đang được chuyển đến thị trường toàn cầu, khiến một số chuyên gia nghi ngờ rằng sản phẩm này đang tìm đường đến thị trường châu Âu qua “cửa sau”.
Ông Saad Rahim, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Thương mại Hàng hóa toàn cầu Trafigura cho biết: “Kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt, khối lượng xuất khẩu dầu thô của Nga ít nhiều vẫn ổn định. Có thể là dầu của Nga vẫn đang được bán cho EU và các quốc gia phương Tây thông qua các bên trung gian”.
Một tuyến đường tiềm năng cung cấp dầu Nga vào châu Âu là đi qua Azerbaijan – quốc gia giáp Nga và là điểm khởi đầu của đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC), do Tập đoàn BP vận hành. Cảng Ceyhan ở Thổ Nhĩ Kỳ là trung tâm cung cấp chính và vận chuyển dầu thô đến châu Âu. Cảng này cũng nhận được số lượng lớn dầu thô từ Iraq thông qua đường ống Kirkuk-Ceyhan.
Ông François Bellamy – thành viên của Ủy ban Công nghiệp, Nghiên cứu và Năng lượng của Nghị viện châu Âu – đã bày tỏ nghi ngờ về đường ống này trong một câu hỏi gần đây trước ủy ban.
Ông cho biết dữ liệu cho thấy Azerbaijan đã xuất khẩu 242.000 thùng/ngày, nhiều hơn sản lượng sản xuất từ tháng 4 đến tháng 7.2022. Đây cũng là mức chênh lệch lớn so với sản lượng trong nước, ở mức 648.000 thùng/ngày vào tháng trước và đang giảm trong dài hạn.
“Làm cách nào một quốc gia có thể cùng lúc giảm sản lượng và tăng lượng xuất khẩu? Có điều gì đó hoàn toàn không nhất quán trong các số liệu này. Điều đó khiến chúng tôi nghi ngờ rằng các biện pháp trừng phạt đang bị phá vỡ”, ông Bellamy nói.
Người phát ngôn của Ủy ban trên cho biết giới chức đang nỗ lực khắc phục những kẽ hở trong biện pháp trừng phạt. Ủy ban cũng đã bổ nhiệm ông David O’Sullivan, cựu đại sứ EU tại Mỹ, làm đặc phái viên có nhiệm vụ giải quyết hành vi lách lệnh trừng phạt.
Vị quan chức này chỉ ra rằng dữ liệu do ông Bellamy đưa ra về các giao dịch dầu mỏ của Azerbaijan, dữ liệu công bố gần đây nhất, xảy ra trước khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực, nên không có nghi vấn về việc né lệnh trừng phạt.
Ông Aykhan Hajizada, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Azerbaijan, khẳng định: “Azerbaijan không xuất khẩu dầu Nga sang EU thông qua đường ống BTC”. Ông nhấn mạnh Azerbaijan chỉ sử dụng các nguồn dầu thô không bị trừng phạt, và cam kết thực hiện các hoạt động cung cấp và giao dịch một cách cẩn trọng, phù hợp với luật pháp và quy định liên quan.
Về phần mình, Tập đoàn dầu khí BP trước đây phủ nhận đường ống BTC vận chuyển dầu của Nga. Dữ liệu các chuyến hàng dầu thô từ Ceyhan cho thấy khối lượng xuất khẩu sang EU gần đây giảm xuống - từ khoảng 3 triệu tấn/tháng (khoảng 700.000 thùng/ngày) từ đầu năm 2022 xuống còn 2 triệu tấn/tháng trong năm nay.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp đôi lượng nhập khẩu dầu trực tiếp của Nga vào năm ngoái. Ankara cũng đã từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô của Nga, mặc dù vẫn hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine.
Cuối năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) của Phần Lan cảnh báo một tuyến đường mới vận chuyển dầu mỏ của Nga tới EU đang hình thành thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Đây sẽ là điểm đến ngày càng nhộn nhịp của dầu thô Nga - nơi dầu Nga được tinh chế thành các sản phẩm dầu mỏ mà không bị xử phạt và có thể bán lại.
“Chúng tôi có đủ bằng chứng cho thấy một số công ty quốc tế đang mua các sản phẩm từ dầu Nga và bán chúng sang châu Âu. Điều đó là hợp pháp, nhưng hoàn toàn không phù hợp”, ông Usenko, cố vấn của Tổng thống Zelensky, cho biết.
Hôm 20.3, Tổ chức phi chính phủ Global Witness của Anh đã công bố báo cáo cho thấy dầu của Nga liên tục được bán với giá vượt mức trần 60 USD do các nước G7 áp đặt vào tháng 12 năm ngoái.
Mai Rosner, nhà vận động đã nghiên cứu báo cáo, nhận định: “Thực tế, dầu của Nga tiếp tục chảy quanh thế giới, không phải do lỗi của các biện pháp trừng phạt. Các chính phủ đã cung cấp cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch cánh cửa rộng mở, và các thương nhân cũng như các công ty dầu mỏ lớn đang khai thác những kẽ hở này để tiếp tục kinh doanh như bình thường”.
Theo Báo Tin tức