Tiềm năng mở của các khu công nghiệp ở Hải Dương - Bài cuối: Dư địa từ các khu công nghiệp mới
Công nghiệp - Ngày đăng : 11:17, 23/03/2023
Khu công nghiệp An Phát 1 đang triển khai xây dựng hạ tầng, sẵn sàng thu hút đầu tư
Quỹ đất cho thuê lớn
Năm 2021, Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 6 khu công nghiệp (KCN) mới với tổng diện tích gần 1.135 ha nằm ở các huyện: Cẩm Giàng, Gia Lộc, Bình Giang, Nam Sách và Kim Thành. Các KCN này có 760 ha đất công nghiệp cho thuê, diện tích còn lại phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đây là nguồn dư địa lớn trong thu hút đầu tư, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
KCN Gia Lộc rộng 197,9 ha thuộc địa bàn thị trấn Gia Lộc và các xã Toàn Thắng, Hồng Hưng, Hoàng Diệu (Gia Lộc). Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang là chủ đầu tư hạ tầng với tổng vốn trên 2.000 tỷ đồng. KCN có diện tích cho thuê khá lớn với trên 142 ha, được nhiều chuyên gia đánh giá là điểm đến tiềm năng của các doanh nghiệp nước ngoài do có vị trí giao thông thuận lợi, chính sách ưu đãi đầu tư tốt, nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào... Khi hoàn thành hạ tầng, KCN này sẽ tập trung thu hút các ngành liên quan đến sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí chế tạo, y tế, logistic... với hàm lượng công nghệ cao, dây chuyền hiện đại.
“Đến nay KCN Gia Lộc đã giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 90% diện tích, trong đó có 98,8 ha đã được tỉnh bàn giao đất cho chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1. Đây là dự án lớn nên địa phương tích cực đẩy nhanh tiến độ GPMB. Khi đi vào hoạt động, KCN này sẽ tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động và là "đầu kéo" chủ lực cho các doanh nghiệp vệ tinh trên địa bàn", ông Đỗ Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc cho biết.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, những năm gần đây, số dự án đầu tư mới vào các KCN không nhiều do diện tích đất có thể cho thuê chỉ còn khoảng 140 ha. Do đó những năm qua, các địa phương liên quan rất tích cực phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng đẩy nhanh công tác GPMB để sớm đưa các KCN mới vào khai thác, sử dụng. Đến nay, KCN An Phát 1 đã hoàn thiện công tác GPMB và đang triển khai xây dựng hạ tầng. KCN Đại An mở rộng giai đoạn 2 và KCN Gia Lộc vừa được tỉnh lần lượt chuyển mục đích sử dụng 96,5 ha và 98,8 ha đất nông nghiệp sang đất KCN để chủ đầu tư thực hiện dự án. Các KCN còn lại vẫn đang tích cực hoàn thiện GPMB, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.
Nhà đầu tư quan tâm
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài mong muốn đầu tư vào các khu công nghiệp đang được triển khai. Trong ảnh: Ông Chung Wang, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH NeoSCM (Đài Loan) đề xuất xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp An Phát 1
Vừa qua trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, Công ty TNHH NeoSCM (Đài Loan) bày tỏ mong muốn được nghiên cứu, tìm hiểu triển khai xây dựng nhà máy sản xuất phanh đĩa dùng trong ô tô với quy mô 8 ha tại KCN An Phát 1. Doanh nghiệp này thông tin, dự án sẽ có tổng mức đầu tư từ 45-55 triệu USD, công suất khoảng 4 triệu sản phẩm/năm để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Dự án dự kiến sẽ sử dụng khoảng 500-600 lao động chất lượng cao tại địa phương. Nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư, Công ty TNHH NeoSCM sẽ sớm triển khai xây dựng nhà máy và hoạt động vào cuối năm 2024.
Nằm ở vị trí đắc địa cùng nguồn dự địa dồi dào, KCN An Phát 1 đang là điểm đến hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện chủ đầu tư hạ tầng KCN An Phát 1 cho biết, An Phát 1 có diện tích 180 ha, trong đó có khoảng 100 ha đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Với định hướng phát triển trở thành KCN kỹ thuật cao và bền vững nên An Phát 1 đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Vừa qua, Quỹ đầu tư hàng đầu về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững Actis (Anh) đã đầu tư hơn 20 triệu USD vào KCN An Phát 1 để sở hữu 49% cổ phần. Hai bên cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dự án mở rộng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi trị giá lên tới 250 triệu USD. Đây sẽ là bước khởi đầu trong kế hoạch phát triển An Phát 1 thành KCN hàng đầu miền Bắc.
Tương tự, KCN Phúc Điền mở rộng, Đại An mở rộng giai đoạn 2 cũng đã có một số doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... đến tìm hiểu đầu tư. Để thu hút và giữ chân các doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư, hầu hết các chủ đầu tư hạ tầng KCN mới đều có những chính sách ưu đãi về thuế và tiền thuê đất khá hấp dẫn.
Trong tháng 8.2022, Công ty Bất động sản toàn cầu - Cushman & Wakefield đã phát hành báo cáo xúc tiến đầu tư chi tiết về tỉnh Hải Dương, đồng thời tổng hợp các thông tin minh bạch về tiềm năng và định hướng phát triển giai đoạn 2022 - 2030 cũng như danh mục các dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào tỉnh. Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield nhận định, với lợi thế vị trí chiến lược, thị trường bất động sản miền Bắc có thể được xem là cánh tay nối dài của “công xưởng thế giới”. Vì thế, không khó để thấy lý do vì sao có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Hải Dương.
Mặt khác trong tương lai, Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ quy hoạch 15 KCN mới với tổng diện tích đất trên 10.000 ha, trong đó có gần 6.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị dịch vụ và logistics. Đây sẽ là thế mạnh của Hải Dương trên thị trường bất động sản KCN trong nước, góp phần giúp tỉnh hiện thực hoá khát vọng trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng thời gian tới.
ĐỖ QUYẾT