Tiến sĩ Trương Thanh Tùng: “Có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để về, đó là quê hương”
Xã hội - Ngày đăng : 19:19, 24/03/2023
Tiến sĩ Trương Thanh Tùng tại lễ trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022
Đó là tiến sĩ Trương Thanh Tùng (sinh năm 1989), cựu học sinh chuyên hóa Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi. Hiện anh là Trưởng nhóm Nghiên cứu thuốc mới, Viện Nghiên cứu tiên tiến Phenikaa, giảng viên Khoa Dược, Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội).
Anh Tùng quê ở xã Thanh Giang (Thanh Miện), từ nhỏ đã say mê học tập tại Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, trường chuyên của huyện, rồi lớp chuyên hóa học của Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Nhị, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi kể, khi dạy lớp ôn luyện thi đầu vào của trường, ngay buổi học đầu tiên Tùng đã gặp riêng cô Nhị bày tỏ mong muốn được cô dìu dắt theo đuổi đam mê môn hóa học. Trong suốt quá trình học, Tùng rất say mê, thường xuyên gặp riêng cô để xin bài tập, thậm chí nhiều buổi tối muộn Tùng cũng đến nhà hỏi bài, có hôm cô dạy về muộn, Tùng chờ bằng được. Rất nỗ lực nhưng tới năm lớp 12 Tùng mới đoạt giải nhì cấp tỉnh và giải ba cấp quốc gia môn hóa học, nhưng kết quả này không làm Tùng nản lòng mà càng quyết tâm hơn. Chính niềm say mê, cầu thị và nghị lực của chàng trai vùng quê nghèo đã tạo ra sự đồng cảm, thôi thúc cô Nhị dành nhiều tình cảm và tâm huyết giúp đỡ Tùng.
Anh Tùng cho biết trở về cống hiến cho đất nước mình sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều
Với tài năng, trí tuệ của mình, Tùng có nhiều điều kiện để sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhưng anh đã quyết định trở về Việt Nam cống hiến quả là điều rất tuyệt vời. Đây chính là vì quê hương, vì màu cờ sắc áo. “Tôi tin con đường khoa học của Tùng, bạn ấy sẽ không ngại gian khó, vì bạn ấy dám chấp nhận thử thách, dám nghĩ, dám làm, làm những việc người khác chưa ai làm, tôi tin bạn ấy sẽ thành công. Tùng luôn luôn không chỉ là niềm tự hào của riêng tôi”, cô Nhị nói.
Sau khi rời ghế trường THPT, Tùng tiếp tục theo ngành dược học của Trường Đại học Dược Hà Nội. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Tùng tiếp tục theo học tiến sĩ tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch), một trong những cái nôi của khoa học y - dược. Đây cũng là khoảng thời gian anh bắt đầu nghiên cứu ức chế con đường giao tiếp của vi khuẩn (quorum sensing) để tìm thuốc thay thế kháng sinh. Hoàn thành luận án tiến sĩ năm 2017, từ đây Tùng bắt đầu tham gia nghiên cứu tại các nước phát triển như: Phần Lan, Anh, Mỹ. Anh nhận được tài trợ của Viện Sức khỏe Mỹ (NIH) và nghiên cứu tại Mỹ với vai trò trợ lý giáo sư.
Tiến sĩ Trương Thanh Tùng cùng Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Nhị, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi
Năm 2019, Tùng quyết định về Việt Nam và chọn Trường Đại học Phenikaa là nơi bắt đầu. Anh cũng được giới thiệu về Tập đoàn Phenikaa với nhiều nguồn hỗ trợ cho phòng thí nghiệm, các hoạt động nghiên cứu, đồng thời là nơi ứng dụng các phát minh và kết quả của các nhóm nghiên cứu.
Khi được hỏi vì sao Tùng quyết định trở về Việt Nam, anh chia sẻ: “Có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để về, đó là quê hương”. Dù ở Việt Nam còn hạn chế về cơ sở vật chất để phục vụ công tác nghiên cứu, nhưng theo anh vẫn có thể nghiên cứu khoa học thành công. “Ngành hóa dược ở Việt Nam còn chưa phát triển, rất ít nhà khoa học trẻ hay nhóm nghiên cứu chuyên sâu vào lĩnh vực này. Với lượng kiến thức đã tích lũy được trong thời gian học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, tôi muốn trở về với vai trò người thầy để hướng dẫn các sinh viên Việt Nam, góp phần đào tạo nhân lực khoa học y dược đang còn thiếu cho nước nhà. Bởi cống hiến cho đất nước mình sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều”, Tùng nói.
Anh Tùng đang sống hạnh phúc cùng vợ và cậu con trai kháu khỉnh (Ảnh nhân vật cung cấp)
Sau bao nỗ lực không ngừng nghỉ, Tiến sĩ Trương Thanh Tùng đã có bề dày thành tích đáng nể khi mới ở tuổi 34. Anh đã có 1 bằng sáng chế quốc tế, 30 công trình khoa học thuộc lĩnh vực công nghệ y dược công bố trên tạp chí quốc tế, chủ trì một đề tài cấp cơ sở, tham gia phản biện cho 20 tạp chí top đầu của hệ thống các nhà xuất bản Nature, Springer Nature, Elesevier. Anh cũng từng được vinh danh là Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021, giành giải thưởng Quả cầu vàng khoa học công nghệ năm 2021, nhà giáo trẻ tiêu biểu Thủ đô Hà Nội 2022.
Đặc biệt, năm 2022, Tiến sĩ Trương Thanh Tùng là nhà khoa học trẻ đầu tiên tại Việt Nam được bầu là thành viên chính thức của Hiệp hội Khoa học nghiên cứu quốc tế danh giá Sigma Xi. Đây là hiệp hội khoa học uy tín và lâu đời nhất trên thế giới có trụ sở tại Mỹ, hoạt động từ năm 1886. Anh là thành viên chính thức được trao cho những nhà khoa học đã chứng minh được những thành tựu đáng chú ý trong nghiên cứu khoa học trên thế giới...
Tùng cho biết, thời gian tới anh mong muốn mở rộng, phát triển nhóm nghiên cứu của mình để trở thành một nhóm nghiên cứu mạnh, tiên phong trong lĩnh vực tổng hợp thuốc tại Việt Nam.
THẾ ANH