[Audio] Phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng từ góc nhìn văn hóa

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 06:00, 25/03/2023

Tuyến phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng (TP Hải Dương) được kỳ vọng là điểm nhấn mang lại nhiều giá trị cho đô thị loại I.


Phố đi bộ, chợ đêm được tổ chức xung quanh sông Bạch Đằng. Ảnh: Thành Chung

Kết nối quá khứ, hiện tại

Không gian được lựa chọn tổ chức phố đi bộ, chợ đêm bao gồm khu vực Quảng trường Thống Nhất, đường Bạch Đằng đoạn từ đường Bùi Thị Xuân đến cầu Hồng Quang làn phía bên sông Bạch Đằng, đường Bùi Thị Xuân đoạn từ đầu đường Bạch Đằng đến Nhà Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh, đường Chương Dương đoạn từ cầu Hồng Quang đến Nhà Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh và đường Nguyễn Hải Thanh. Nhìn về quá khứ, nơi đây chính là một phần của Thành Đông xưa. Như một cơ duyên, con sông Sặt khi tới TP Hải Dương lại phân nhánh, một nhánh ăn sâu vào lòng thành phố, được người dân gọi là sông Bạch Đằng. Khi khởi lập Thành Đông, thợ thuyền khắp nơi tìm tới ven sông an cư, lạc nghiệp, mở mang buôn bán để đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của quan lại, binh lính Thành Đông. Dần dần hình thành nên trung tâm dân cư gọi là Đông Kiều phố kéo dài từ giáp Đông Mỹ (Quảng trường Thống Nhất) đến giáp Tự Tân (phố Tam Giang). Những con phố nghề như Hàng Đồng, Hàng Lọng, Hàng Bạc… cũng tấp nập bên bờ sông. 

Đến những năm 20 của thế kỷ XX, khi người Pháp kiến thiết lại Thành Đông cũng xây dựng các công trình hướng ra sông Bạch Đằng. Và không gian đô thị của TP Hải Dương qua từng thời kỳ lịch sử sau đó cũng xoay quanh trục sông này vì thuận lợi cho việc đi lại, giao thương phục vụ phát triển kinh tế và yêu cầu chính trị. Còn hiện tại, nơi đây chính là địa điểm mà thành phố sắp khai trương tuyến phố đi bộ, chợ đêm để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, thụ hưởng của người dân. Theo nhà sử học Phạm Quý Mùi, địa điểm tổ chức phố đi bộ, chợ đêm là vị trí đắc địa của TP Hải Dương, nơi sầm uất bậc nhất của Thành Đông xưa. Đặc biệt, nhánh sông này được ví như linh hồn của thành phố khi gắn bó chặt chẽ với sự phát triển, mở rộng nơi đây. Việc triển khai thực hiện phố đi bộ, chợ đêm tại đây mang nhiều ý nghĩa, khẳng định sự trường tồn của những giá trị xưa. “Việc cần làm là phải làm sao để người dân, du khách cảm nhận được rõ nét hồn cốt của Thành Đông, mối liên kết giữa Thành Đông xưa, Hải Dương nay. Có như vậy phố đi bộ, chợ đêm mới tạo dựng được chiều sâu theo dòng lịch sử, văn hóa”, ông Mùi khẳng định.


Nhà sử học Phạm Quý Mùi cho biết khu vực tổ chức tuyến phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng là trung tâm của Thành Đông xưa

Bài bản

TP Hải Dương triển khai thí điểm phố đi bộ, chợ đêm với mục đích tạo lập các hoạt động văn hóa, du lịch, thương mại, ẩm thực trong khu vực. Từ đó, hình thành một quần thể, không gian văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần của người dân. Đồng thời góp phần kích thích các nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, mang lại lợi ích phát triển kinh tế-xã hội cho thành phố. Ông Phạm Văn Bích, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP Hải Dương cho biết, ngay từ mục đích xây dựng phố đi bộ, chợ đêm thành phố đã ưu tiên, đề cao, hướng đến các giá trị lịch sử, văn hóa. Phố đi bộ, chợ đêm không những là điểm vui chơi, giải trí mà còn là niềm tự hào của người dân Thành Đông.

Với mục tiêu trên, TP Hải Dương đang gấp rút, khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị để có thể khai trương phố đi bộ, chợ đêm vào đúng dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 tới. Thành phố sẽ cải tạo Quảng trường Thống Nhất, hè phố các tuyến đường tiếp giáp sông Bạch Đằng, lắp dựng hệ thống chiếu sáng nghệ thuật mặt nước trên sông, tổ chức gian hàng lưu động tiến tới xây dựng phố ẩm thực ở đường Nguyễn Hải Thanh… Phố đi bộ, chợ đêm sẽ hoạt động vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, kết thúc trước 24 giờ ngày chủ nhật. Để phố đi bộ, chợ đêm tạo được bản sắc riêng, TP Hải Dương yêu cầu các cơ quan, đơn vị thẩm định chặt chẽ các chương trình văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, tổ chức đan xen trò chơi dân gian với những hoạt động vui chơi theo xu thế, tạo sự hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại. Hàng hóa được bày bán tại đây ưu tiên những sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền, mới lạ, có sức hút với người dân…

Nhiều người dân TP Hải Dương đang đếm ngược từng ngày mong chờ ngày khai trương phố đi bộ, chợ đêm. Ai cũng chung tâm trạng háo hức, chào đón nơi vui chơi, giải trí, giao lưu cộng đồng của thành phố. Bà Nguyễn Thị Quế ở phố Trần Bình Trọng, phường Trần Phú cho biết: “Qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết thành phố sắp có phố đi bộ, chợ đêm ngay gần nơi tôi sống. Hoạt động của phố đi bộ, chợ đêm được duy trì đều đặn hằng tuần sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân khi điều kiện sống ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, thành phố cũng cần cân nhắc, lựa chọn phương án tổ chức phù hợp để phố đi bộ, chợ đêm có được thiện cảm của người dân, du khách. Thương mại hóa trên cơ sở phát huy những giá trị lịch sử văn hóa lâu đời để mỗi người khi hòa vào dòng người trên phố đi bộ, chợ đêm cảm thấy hãnh diện, tự hào”.

DŨNG CƯỜNG